- Virus SARS khiến cả thế giới khủng hoảng vào năm 2003 có tỷ lệ tử vong khoảng 10,8%. Trong khi đó, virus cúm A/H7N9 đang hoành hành trên người tại Trung Quốc có tỷ lệ tử vong lên tới trên 20%.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại buổi họp phòng chống dịch cúm A/H1N1, A/H5N1 và cúm A/H7N9 chiều 4/5.
Xét nghiệm với tất cả bệnh nhân viêm hô hấp nặng
Theo ông Long, dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 nhưng chúng ta có nhiều lý do để lo ngại việc dịch có thể xâm nhập rồi bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng.
Bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp nặng cần được xét nghiệm cúm để phát hiện sớm |
“Đó là lý do về địa lý, nhu cầu du lịch (mỗi tháng nước ta có trên 160 ngàn hành khách nhập cảnh) và đặc biệt là tình trạng buôn bán, nhập lậu gia cầm ở các tỉnh biên giới diễn biến phức tạp. Chúng ta đã ra quân, bắt giữ rất nhiều, nhưng chưa có khả năng ngăn chặn triệt để tình trạng này”, ông Long cho biết.
Sự nổi lên của chủng mới của virus Corona Theo thông báo của WHO, từ tháng 9/2012 dến nay, thế giới ghi nhận 24 trường hợp mắc và 16 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh này lên tới 66,7%. Đặc biệt, gần đây nhất (2/5), WHO thông báo tại Ả rập Xê út có 7 trường hợp mắc và 5 trường hợp tử vong. Các bằng chứng hiện có gợi ý rằng đây là bệnh lây từ động vật sang người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, virus Corona gần giống với virus gây bệnh SARS, chưa có vắc-xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu và có thể xâm nhập Việt Nam qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có dịch. |
Ngoài ra, một lý do nữa được đưa ra là cúm A/H7N9 chưa có vắc-xin phòng chống và cộng đồng cũng chưa hề có miễn dịch với loại virus này.
Hiện nay, WHO cũng như các chuyên gia y tế của Trung Quốc cho biết chưa xác định được một cách rõ ràng, chính xác về nguồn lây và đường lây của virus cúm A/H7N9.
“WHO chưa khẳng định virus cúm A/H7N9 lây từ người sang người, nhưng cũng chưa có đủ bằng chứng để loại trừ khả năng này. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ, và đối với tất cả các bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp nặng phải nhập viện đều cần được xét nghiệm cúm để sớm phát hiện, sàng lọc”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, hiện nay hệ thống y tế của Việt Nam đã sẵn sàng, chủ động và đủ khả năng để phân lập gien virus trong thời gian sớm nhằm xác định loại virus cúm mà người bệnh mắc phải (trước đây phải mất từ 1-2 ngày mới phân lập xong).
Virus cúm A/H1N1 tăng cao đột biến
Dư luận cũng đang lo ngại về việc các loại virus cúm đồng loạt tấn công con người.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2013, đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Yên Bái (2 trường hợp) và Thanh Hóa (1 trường hợp).
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, với cúm A/H1N1 tuy có sự tăng cao về số lượng bệnh nhân song chưa có dấu hiệu bất thường, các diễn biến cho thấy không có đỉnh dịch.
Hiện nay, cúm A/H1N1 được coi là cúm mùa, lưu hành bình thường trong “đại gia đình cúm” ở Việt Nam, do đó người dân không nên quá lo ngại, tuy nhiên cũng không nên chủ quan bởi bất cứ virus cúm gây bệnh nào cũng có nguy cơ gây tử vong.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kính, GĐ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận trên 100 ca nghi nhiễm cúm, nhưng chỉ có khoảng 4-5 ca nhiễm cúm A/H1N1 và 98% trong số đó là ở thể nhẹ.
Cũng tại buổi họp này, ông Nguyễn Thanh Long đưa ra thông tin: Sau gần 7 năm nghiên cứu, vắc-xin cúm A/H5N1 đã chuẩn bị thành phẩm và hi vọng cuối năm 2013 sẽ cho lưu hành, ưu tiên sử dụng cho những đối tượng có nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với gia cầm (như các hộ chăn nuôi, …).
Cảnh giác với trứng, thịt gia cầm “siêu rẻ” Virus cúm có thể tồn tại trong cả gia cầm đã được làm sạch và trứng gia cầm. Hiện nay, tại các chợ nhỏ lẻ có bán nhiều trứng gia cầm nguồn gốc Trung Quốc với giá rất rẻ (chưa tới 1.000 đồng/quả) và nhiều gà thải loại giá 30-40.000 đồng/con đã làm sạch. Đây chính là đối tượng mang mầm mống virus vào Việt Nam rồi gây bệnh cho cả cộng đồng. |
Cẩm Quyên