– Sau khi có thông tin xí muội và nhiều loại quả sấy khô của Trung Quốc có chứa chất cực độc, người tiêu dùng Việt Nam thêm hoang mang bởi thị trường Việt Nam hiện đang bán rất nhiều mặt hàng này và đại đa số chúng được nhập về từ Trung Quốc.

Báo chí chính thống của Trung Quốc vừa đăng tải thông tin liên quan đến việc các sản phẩm xí muội, đào khô, hồng khô, táo tàu và nhiều loại trái cây sấy khô khác của 3 công ty thực phẩm tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) có chứa các chất phụ gia cực độc vượt quá tiêu chuẩn cho phép của cơ quan chức năng khiến dư luận hoang mang.

Các chất phụ gia độc hại bị phát hiện trong vụ bê bối thực phẩm này gồm chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide.

Liều lượng chất phụ gia có trong các sản phẩm này cao gấp ba lần quy định của các cơ quan chức năng. Các siêu thị của Trung Quốc hiện đã ngừng bán các sản phẩm độc hại này.  

 
Các loại hoa quả sấy khô (hồng, táo, đào khô) được bày bán la liệt tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Kết quả kiểm tra 18 ki ốt ở chợ Đồng Xuân và 3 ki ốt khu vực Hàng Buồm của cơ quan chức năng cho thấy có 50% sản phẩm "có vấn đề", chủ yếu các sản phẩm đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: N.A

Khi thông tin này được đăng tải trên báo chí Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam thêm hoang mang bởi những mặt hàng hoa quả sấy khô, xí muội được bán rất nhiều ở các chợ đầu mối lớn hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí có chủ cửa hàng còn không xuất trình được hóa đơn chứng từ sản phẩm (tức hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc).

Xí muội chứa chì

Trước khi có vụ bê bối xí muội, hoa quả sấy khô chứa chất cực độc vừa bị đưa ra ánh sáng thì năm 2009, một vụ bê bối khác đã xảy ra là xí muội nguồn gốc Trung Quốc chứa hàm lượng chì cao, vượt quá giới hạn cho phép, gây độc hại cho người sử dụng.

Tại thời điểm đó, xí muội Trung Quốc tràn ngập Việt Nam và Sở Y tế TP HCM đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các mẫu xí muội được lấy kiểm nghiệm đều dương tính với chì, chất tạo ngọt và chứa chất phụ gia cấm gây nguy hại cho sức khỏe.

Thị trường Hà Nội là một trong những địa điểm bán rất nhiều các loại hoa quả sấy khô, thậm chí đây được coi là “đặc sản” của Thủ đô.

Tuy nhiên, hoa quả sấy khô, ô mai xí muội có thực là “đặc sản” hay cũng chỉ là hàng nhập về từ Trung Quốc thì không ai biết được.

Trong các đợt kiểm tra trước đây tại chợ Đồng Xuân – một trong những chợ đầu mối bán hoa quả sấy khô lớn nhất Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện trong số 155 cơ sở kinh doanh thực phẩm thì chỉ có 42 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn lại chưa được chứng nhận vì các cơ sở này thiếu hợp đồng mua bán và giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm!

Trao đổi với VietNamNet, cán bộ phòng nghiệp vụ (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, trong quá trình kiểm tra hàng hóa, thực phẩm, họ không phân chia rạch ròi từng loại như xí muội hay táo khô, đào khô, … mà gọi chung là thực phẩm. Nếu phát hiện đó là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì phải tiêu hủy ngay.

Và số lượng này là không hề nhỏ. Mới đây nhất (vào ngày 16/3), 500 gói ô mai cỡ lớn của một tiểu thương ở quận Hoàn Kiếm đã bị cơ quan chức năng phát hiện là không có nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn được tuôn ra thị trường.

Và tuy không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhưng khi được hỏi thì gần như các tiểu thương đều cho biết mua hàng hóa từ các đầu mối lớn nhập hàng từ Trung Quốc về!

Người tiêu dùng hiện đang rất lo ngại trước tình hình thực phẩm bẩn tràn lan (Ảnh: N.A)

Mới đây nhất, kết quả kiểm tra 18 ki ốt ở chợ Đồng Xuân và 3 ki ốt khu vực Hàng Buồm của cơ quan chức năng cho thấy có đến 50% sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi chỉ số quốc tế, không ghi hạn dùng, không ghi rõ liều lượng. Chủ yếu các loại hàng hóa đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trước thông tin xí muội, hoa quả khô của Trung Quốc có chứa chất cực độc và trên thị trường Việt Nam hiện cũng đang bày bán rất nhiều mặt hàng này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết việc kiểm tra thực phẩm (trong đó có đồ khô như xí muội, hoa quả sấy khô) là việc làm định kỳ, thường xuyên.

Tại thời điểm này thanh tra Sở đang tập trung công tác kiểm tra các mặt hàng nước uống, đồ giải khát vì đã vào hè. Tuy nhiên, nếu có thông tin chính xác về loại xí muội cực độc ở Trung Quốc lan sang thị trường Việt Nam thì sẽ triển khai thanh tra đột xuất, lấy mẫu kiểm tra để kịp thời phát hiện.

Rất độc hại!

Trao đổi với VietNamNet, Phó Giáo sư Trịnh Lê Hùng – chuyên gia hóa học đến từ khoa hóa học, ĐHKHTN - ĐHQGHN cho biết các chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide được phát hiện trong xí muội ở Trung Quốc đều gây tác hại rất xấu cho sức khỏe người sử dụng nếu chúng được sử dụng quá liều lượng cho phép.

Ông Hùng phân tích: các chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate không có giá trị về dinh dưỡng, chỉ có khả năng tạo ngọt, được dùng trong thực phẩm với hàm lượng nhất định (có sự kiểm soát chặt chẽ. Nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ung thư.

Chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide là chất tẩy nấm mốc và sát trùng, được dùng với nống độ cho phép nhưng dùng nhiều (và nhất là nếu kết hợp với các chất khác trong cơ thể) có thể gây suy gan, thoái hóa não, vv … còn nếu ngửi nhiều gây viêm đường hô hấp, nếu gặp nước gây mài mòn cả công trình xây dựng (vì có tính oxy hóa cao).

“Các chất này có thể bản chất không độc hại nhưng trong thực phẩm nếu dùng không đúng liều lượng, nồng độ thì lại là câu chuyện khác. Nước ta đã cố gắng kiểm soát nhưng thực tế là chưa có giải pháp hữu hiệu”, ông Hùng đánh giá.

Bộ Y tế thừa nhận khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm

Chiều 26/4 đã diễn ra buổi giao ban trực tuyến 63 tỉnh thành về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại buổi giao ban trực tuyến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận rất khó kiểm soát và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, quản lý thực phẩm được giao cho 3 Bộ: Công thương, Y tế, NN&PTNT, trong đó Bộ Y tế được phân công nắm vai trò “nhạc trưởng”. Tuy nhiên, với tình trạng “hở” từ đầu đến cuối: Từ khâu nuôi trồng đến chế biến, nhập khẩu, … thì ngành Y tế cũng khó có thể kiểm soát nổi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Ngọc Anh