- "Chia lửa" với Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn sáng nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay năm 2011, Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng, trong khi lương lãnh đạo tập đoàn vẫn cao.

Từ đầu đến cuối buổi sáng chất vấn, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến quản lý xăng dầu.

'QH họp, giá xăng thế giới lại giảm!'

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phản ánh thắc mắc của cử tri về thông tin trên báo chí về việc năm 2011 kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thua lỗ lớn nhưng lương cán bộ, nhân viên vẫn rất cao, không biết có đúng không và như vậy có hợp lý.

ĐB Đồng Hữu Mạo: Petrolimex thua lỗ lớn nhưng lương cán bộ, nhân viên vẫn rất cao, như thế có hợp lý?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay ông không nắm được thông tin này và sẽ hỏi Kiểm toán Nhà nước sau. Song Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Tổng Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin ngay cho QH cuối buổi sáng.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, việc kiểm toán Tập đoàn xăng dầu Việt Nam năm 2011 đã hoàn tất và đã phát hành Báo cáo kiểm toán, gửi Chính phủ cùng các cơ quan chức năng.

Xem clip Tổng Kiểm toán Nhà nước "tiết lộ" lương lãnh đạo Petrolimex:

Theo đó, kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2011 lỗ 1.423 tỷ đồng. Riêng kinh doanh xăng lỗ 1.814 tỷ đồng, dầu lỗ 789 tỷ. Tính lãi các công ty cổ phần bù trừ 935 tỷ đồng, hợp nhất lại lỗ 1.423 tỷ đồng.

Lương bình quân cán bộ nhân viên Petrolimex năm 2011 bình quân trên 6 triệu đồng/tháng, trong đó lương lãnh đạo khá cao. Lương Chủ tịch tập đoàn là 58 triệu đồng/tháng, ủy viên hội đồng quản trị từ 40-42 triệu. Năm 2010, Petrolimex có lãi, lương Chủ tịch là 70,7 triệu đồng/tháng, các ủy viên đều cỡ mức 54,9 triệu...

Về điều hành giá xăng dầu, ĐB Đỗ Văn Đương, TP.HCM đặt một câu hỏi khiến cả hội trường cười ồ. Đó là, chiều qua (11/11), giá xăng dầu giảm 500đ/lít, đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự linh hoạt của các Bộ trưởng (Công thương và Tài chính) trước phiên trả lời chất vấn?

Xem clip hai Bộ trưởng trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Văn Đương:

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc giảm giá xăng dầu hôm qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ với trách nhiệm Chính phủ và QH giao thì không thể có động thái linh hoạt được, khi nào giá thế giới giảm thì giá trong nước sẽ phải giảm.

Được mời "chia lửa", Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đứng lên nói vui, có sự trùng hợp là do cứ QH họp, giá xăng dầu thế giới lại giảm, như kỳ họp thứ 3 hồi đầu năm, trong 1 tháng Quốc hội họp thì giá thế giới giảm tới 3 lần.

Vừa qua, giá xăng dầu thế giới cũng liên tục giảm nên đã điều chỉnh giảm 500 đồng/lít.

Bộ trưởng Huệ cũng cho biết thêm, từ đầu năm tới nay đã có 6 lần giảm giá xăng dầu và 6 lần tăng nhưng không tạo ra lạm phát tâm lý, chỉ số CPI 10 tháng đầu năm vẫn ở mức 6,02%.

Điều hành còn bất cập

Nói về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, xăng dầu đã kiên trì thực hiện giá thị trường có quản lý của Nhà nước từ năm 2009 đến nay và đạt một số kết quả. Tuy nhiên điều hành còn bất cập, chẳng hạn thời gian điều chỉnh tăng giảm giá còn chậm so với thế giới.

"Chúng tôi nhận ra điều này, đã chỉ đạo xem xét các cơ sở pháp lý cũng như cách điều hành để nhanh nhạy hơn, tránh tình trạng giá thế giới đã giảm lâu mà trong nước vẫn chưa giảm", ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Tôi tin một năm nữa sẽ đẩy lùi hiện tượng xăng dầu kém chất lượng

Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận, hiện chất lượng xăng dầu kém, bẩn, bị pha chế... đang gây nhiều bức xúc cho người sử dụng cũng như gây tác hại đến các phương tiện giao thông, và bất an cho nhiều người.

Bộ trưởng cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học - Công nghệ để xây dựng tiêu chuẩn, cũng như phối hợp quản lý và các chế tài xử phạt. "Với sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của các cơ quan chức năng, tôi tin rằng sau một năm nữa hiện tượng này sẽ bị đẩy lùi", Bộ trưởng Hoàng quả quyết.

Một số đại biểu đặt vấn đề: Hiện nay giá xăng dầu diễn biến khó hiểu và theo dư luận có biểu hiện lợi ích nhóm, đến khi nào thì có thị trường xăng dầu cạnh tranh?

Bộ trưởng Công thương cho biết, nghị định 84/2009 của Chính phủ cho phép tất cả các DN trong nước có đủ điều kiện kho bãi, tài chính... được phép trở thành đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong 3 năm qua đã có thêm 4 DN ngoài quốc doanh làm DN đầu mối kinh doanh XNK và bán lẻ xăng dầu. Như vậy chính sách đã tạo điều kiện cho thị trường kinh doanh xăng dầu rồi. Thị trường cạnh tranh cần sự lớn mạnh của các DN, Nhà nước không thể làm thay.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Petrolimex đang chiếm tới 70% thị phần nhưng là do lịch sử để lại, trước đây chúng ta chỉ xây dựng 1 DN xăng dầu với toàn bộ các cơ sở vật chất như kho chứa, bến bãi vì vậy khó tránh khỏi những hạn chế... Hy vọng thời gian tới, một số DN kinh doanh xăng dầu sẽ lớn mạnh và mở rộng thị phần thì thị trường xăng dầu sẽ cạnh tranh bình đẳng và ổn định.

Trần Thủy - Ảnh: Minh Thăng
Nguồn clip: VTV