Các DN Việt Nam đã tìm đường qua Campuchia làm ăn từ lâu, nhưng để hình một làn sóng đầu tư, một cộng đồng DN Việt Nam trên đất chùa Tháp phải kể đến sự kiện đột phá: thành lập Hãng hàng không Campuchia Angkor Air có sự tham gia của VietNam Airlines, BIDV thành lập Công ty Đầu tư phát triển Campuchia (IDCC) 100% vốn Việt Nam thông qua đó ra đời Ngân hàng Đầu tư Phát triển Campuchia và Công ty Bảo hiểm. Ngay sau đó, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) được thành lập… đánh dấu một lộ trình tăng trưởng ngoạn mục của DN Việt Nam sang Campuchia.
Xác lập vị thế nhà đầu tư lớn
Theo báo cáo của AVIC, đến tháng 12/2013, Việt Nam đã cấp phép cho 143 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đăng ký 3,053 tỷ USD. Hiện có 127 dự án còn hiệu lực với số vốn 2,975 tỷ USD.
Các dự án sang Campuchia tập trung nhiều nhất trong nông lâm nghiệp chiếm hơn 50% số vốn, tiếp đến là năng lượng, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, viễn thông… Các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch – khách sạn, bất động sản…
Đến nay, tổng số vốn các doanh nghiệpViệt Nam (DNVN) đã giải ngân tại CPC đạt khoảng 1,2 tỷ USD, đã có trên 50 dự án chính thức đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm cho trên 30,000 lao động.
Hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên Việt Nam sang Campuchia. |
Theo đánh giá của AMIC, các dự án của DNVN tiếp tục được triển khai một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Đặc biệt kể từ cuối năm 2009 đến nay, đã gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án
Để thúc đẩy đầu tư giữa hai nước, một cơ chế xúc tiến đầu tư là Hội nghị Hợp tác đầu tư VN - CPC đã được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Thử tướng Chính phủ hai nước. Qua ba lần tổ chức, hội nghị đã trở thành một sự kiện kinh tế quan trọng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của làn sóng đầu tư Việt Nam sang Campuchia.
Ngay trong năm 2013, kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời Campuchia có nhiều xáo trộn từ sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 7/2013 nhưng tổng mức và số lượng dự án đầu tư của Việt Nam vào Campuchia vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Riêng năm 2013 đạt 364 triệu USD với 19 dự án được cấp phép.
Nhìn lại quá trình đầu tư trong những năm qua, ấn tượng nhất chính là sự tăng trưởng liên tục của dòng vốn đầu tư Việt Nam qua Campuchia. Trước năm 2009, VN chỉ có 37 dự án đầu tư trực tiếp tại CPC, với tổng số vốn đăng ký hơn 381 triệu USD (riêng Viettel 150 triệu USD). Đến hết 2013, có khoảng 127 dự án đầu tư còn hiệu lực vào CPC với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 3 lần về số lượng dự án và trên 7 lần về giá trị.
Từ thứ hạng thấp trước năm 2009, sau hơn 3 năm, Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại CPC và đứng thứ 2 trong tổng số hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của VN;
Kết nối hai nền kinh tế
Tuy nhiên, đại diện AVIC cũng cảnh báo, có hiện tượng một số DN VN chưa chú trọng đến đầu tư vững chắc, dài hạn. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các nhà đầu tư VN vẫn còn rời rạc, còn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNVN. Năng lực tài chính của một số DN còn hạn chế, khả năng cạnh tranh còn yếu.
Để thúc đẩy và tăng chất lượng đầu tư Việt Nam qua Campuchia, AVIC cho rằng Chính phủ cần ưu tiên thống nhất nội dung hợp tác kinh tế giữa hai nước trong dài hạn định hướng đến 2020, sớm kết nối hai nền kinh tế trước năm 2015. Có chính sách lâu dài và cụ thể với các dự án dọc tuyến biên giới theo hướng đảm bảo an ninh biên giới. Xây dựng hệ thống hạ tầng cửa khẩu và có cơ chế thông thoáng về thủ tục hải quan.
Nông nghiệp một lĩnh vực đầu tư thế mạnh |
Đối với các DN cần cần nghiêm túc thực hiện đúng cam kết với chính phủ Campuchia, tập trung nguồn lực đầu tư hiệu quả, đúng tiến độ các dự án đã được cấp phép.
Đồng thời, duy trì việc kiểm tra và rà soát việc thực hiện đầu tư Việt nam – Campuchia, thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá hoạt động đầu tư của VN tại CPC, giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ hai nước kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIC, cộng đồng DN Việt nam dự kiến đến 2015, FDI của VN tại CPC đạt 4-4,2 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng trên 2 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này cần lựa chọn các DNVN tiêu biểu, đi đầu tham gia đầu tư vào từng lĩnh vực chủ chốt, tiềm năng thế mạnh của CPC để tạo sức mạnh lan tỏa, thu hút và chia sẻ trong cộng đồng DNVN cùng đầu tư. Bên cạnh đó cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các ngân hàng Việt Nam hỗ trợ vốn cho các Nhà đầu tư Việt Nam triển khai các dự án .
Trong đó, theo ông Hà, các DN Việt nam cần chú đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy hải sản, khai khoáng... là những lĩnh vực được Campuchia quan tâm và thu hút đầu tư.
Đặc biệt, cần rà soát bổ sung các Hiệp định kinh tế giữa hai nước và các Bộ ngành để có hướng dẫn triển khai các Hiệp định. Định kỳ hai bên phối hợp rà soát lại các Hiệp định, văn bản pháp lý ký kết giữa hai nước để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; trước mắt đề nghị sớm hướng dẫn triển khai thực thi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký kết tháng 6/2012 và hoàn thành ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hoàng Sơn