"Quá nhiều thương hiệu, có cái gần 20 triệu đồng, có cái lại chỉ 300.000 đồng", anh Tuấn Anh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ sự hoang mang khi tìm mua loa kéo di động cho gia đình những ngày vừa qua.

Dạo một vòng quanh các sàn thương mại điện tử, anh Tuấn Anh có thể liệt kê khoảng 20 thương hiệu loa kéo trong nước và nhập khẩu, mỗi thương hiệu có trung bình 3-5 dòng sản phẩm khác nhau. Điều đáng nói, mức giá mỗi nơi mỗi khác, chênh lệch có khi lên đến 1-2 triệu đồng.

Cuối cùng, anh Tuấn Anh quyết định tìm đến một siêu thị điện máy gần nhà để được tư vấn trực tiếp và dùng thử sản phẩm. Tại đây, anh được giới thiệu 3 phân khúc chủ yếu, với các mức giá lần lượt là 1-3 triệu đồng, 7-9 triệu đồng và 10-14 triệu đồng.

"Thượng vàng hạ cám"

"Tất nhiên, tôi hiểu giá cả luôn đi kèm với chất lượng. Nhưng việc có những sản phẩm chỉ đáng vài triệu, trong khi có cái lên đến 10 triệu đồng khiến tôi phải cân nhắc rất nhiều về nhu cầu thực tế của mình. Liệu tôi có đủ đam mê ca hát đến mức bỏ ra số tiền lớn như vậy?", anh nói.

{keywords}

Loa kéo trên "chợ mạng" có giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Ảnh chụp màn hình.

Thực tế, ghi nhận tại các cửa hàng điện máy gia đình và một số sàn TMĐT, các mẫu loa kéo có công suất khoảng 16-40W, xuất xứ từ Trung Quốc, được bán với giá từ 300.000-900.000 đồng. Trong khi đó, những sản phẩm tương đương có giá 1-3 triệu đồng tại các siêu thị điện máy quy mô lớn.

Phân khúc giá cao từ 6-14 triệu đồng dành cho các loại loa có công suất lớn từ 300W trở lên. Lúc này, giá trên hay dưới 10 triệu phụ thuộc vào thương hiệu và kiểu dáng sản phẩm hơn là công suất.

Bà Kim Nhung, chủ cửa hàng điện máy Thanh Nhung trên đường Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM), cho biết người tiêu dùng gần đây thường mua sản phẩm nhỏ, mức giá trung bình. "Mấy năm trước bán được nhiều lắm, còn giờ họ chỉ mua các loại khoảng 1-2 triệu đồng. Chỉ có công ty lớn hoặc trường học mới mua dòng công suất lớn", chị nói.

Nhân viên một siêu thị điện máy trên đường 3/2 (quận 10, TP.HCM) cũng chia sẻ khách hàng chủ yếu cần chất lượng sản phẩm tốt mới đến mua tại siêu thị, nhưng xu hướng nói chung vẫn là mức giá vừa phải với công suất trung bình.

Nhận định về tình trạng loạn giá và mẫu mã loa kéo, anh Hoàng Minh cho rằng do 5-6 năm về trước, trào lưu hát karaoke bằng loa kéo bùng nổ, nên nhiều đơn vị đổ xô đầu tư sản xuất.

"Với tốc độ phát triển đó, đến nay, thị trường loa kéo trở nên thượng vàng hạ cám. Mức giá nào cũng có, nhưng chất lượng thì chưa hẳn đã đi kèm giá cả, vì còn tùy thuộc vào điểm bán. Chính người bán, nếu không trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm, cũng khó nhận diện chất lượng và định giá phù hợp", anh nhận xét.

Người đổ xô kinh doanh, người rời bỏ thị trường

Một người bán khác trên đường Nhật Tảo cũng cho biết, đa số loa ở chất lượng trung bình đều chỉ sử dụng tốt trong vòng 1-2 năm đầu. Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như không có nhiều hiểu biết về mặt hàng này. Quyết định mua hàng chủ yếu dựa vào tư vấn của người bán và ý kiến của người thân đã từng sử dụng.

Là một trong những doanh nghiệp lớn từng gia nhập thị trường loa kéo, Asanzo đã quyết định dừng sản xuất và kinh doanh từ năm 2019. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo, chia sẻ nguyên nhân là sự cạnh tranh quá lớn về giá trên thị trường.

Thời điểm doanh nghiệp đưa loa kéo ra thị trường, đây là xu thế trên cả nước, bởi các dàn âm thanh truyền thống với kích thước lớn và kết cấu phức tạp khó di chuyển. Loa kéo được cho là mang đến sự tiện lợi khi đi du lịch hay các cuộc tụ họp ngoài trời.

"Khi đó, quả thực kinh doanh có lợi nhuận, thị trường đón nhận rất tốt", ông chia sẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian, thị trường dần bão hòa với sự ra đời của nhiều dòng sản phẩm, cũng như sự du nhập của nhiều mẫu mã từ Trung Quốc.

"Họ cạnh tranh với mức giá rẻ quá, chúng tôi làm không có lời. Đặc thù mặt hàng loa kéo dễ hư hỏng, do đó với những doanh nghiệp có chính sách hậu mãi như chúng tôi, việc bảo hành, sửa chữa thường xuyên nuốt hết lợi nhuận. Không bảo hành thì không được, mà bảo hành thì tốn chi phí quá, không chịu nổi", ông Phạm Văn Tam chia sẻ.

{keywords}
Thị trường loa kéo hiện là sự cạnh tranh của hàng chục thương hiệu trong và ngoài nước. Ảnh: Hiền Đức.

Do đó, ông nhận định những doanh nghiệp còn sản xuất mặt hàng này chủ yếu là có tiềm lực lớn, hoặc không quá quan tâm đến thương hiệu, chỉ bán hàng mà không làm tốt công tác hậu mãi.

Tuy vậy, về phía tiểu thương, đây vẫn là một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận tốt, kể cả khi nhu cầu mua sắm không còn cao như cách đây vài năm. Chị Kim Thanh, chủ cửa hàng điện máy Sao Việt trên đường Nhật Tảo, cho biết mỗi ngày bán được 3-4 loa, "kiếm lời chút đỉnh".

Còn anh Hoàng Minh - chủ một cửa hàng điện máy trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thông tin, lợi nhuận chiếm khoảng 20-30% giá bán lẻ đối với các hộ kinh doanh truyền thống.

Hiện nay, nhiều quán nhậu và quán nước vỉa hè cũng cho khách thuê loa kéo theo giờ. Anh Sơn, chủ một quán nhậu nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, cách đây 2 năm có mua một loa kéo công suất 100W với giá 7 triệu đồng để giải trí trong gia đình. Sau vài lần khách nhậu ngỏ ý mượn để hát karaoke, anh quyết định mở thêm dịch vụ cho thuê loa kéo.

Đến nay, song song với doanh thu từ mảng ăn uống, trung bình mỗi tối anh kiếm thêm 1-2 triệu đồng phụ thu nhờ chiếc loa kéo này.

Sáng 9/7, tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 20 khóa IX, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tại TP.HCM, đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cho rằng thời gian qua, cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết trong xử lý trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn. Nhiều hộ dân liên tục bị "tra tấn" vì loa kéo, gây bất hòa, thậm chí đã xảy ra án mạng.

(Theo Zing)