Những năm gần đây, món bánh ngải - một trong những món ăn đặc sản Lạng Sơn xuất hiện trên các trang mua bán online, đã thu hút nhiều chị em công sở đặt mua. Nhiều shop chỉ bán nguyên loại bánh này mà làm không hết việc, mỗi ngày bán cả nghìn chiếc.
Những chiếc bánh ngải hấp dẫn, có giá từ 4.000 - 6.000 đồng |
Chỉ với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/chiếc, nhiều "thượng khách " không ngại rút ví mua cả trăm chiếc về ăn, biếu người thân, bạn bè.
Anh Xuân Hoàng – một người bán bánh ngải online tại Hà Nội, là người quê gốc Lạng Sơn cho hay: “Tôi vốn là người gốc Lạng Sơn nên biết làm bánh ngải từ nhỏ. Vào dịp lễ tết, tôi hay gói biếu bạn bè, hàng xóm mỗi người một ít để thưởng thức. Ban đầu tính chỉ là làm cho vui, nhưng không ngờ mọi người cứ khen bánh ngon và khuyên tôi mở tiệm" - anh Quang nói.
Sau hơn 2 năm bán loại bánh này, trung bình mỗi ngày anh và vợ bán ra thị trường gần 1.000 chiếc bánh ngải. Khách mua đa phần là các chị em văn phòng, mẹ bỉm sữa và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
"Thoạt nhìn qua, bánh ngải có hình dáng khá giống với món bánh dày. Tuy nhiên thay vì màu trắng thì bánh ngải lại có màu xanh, bóng nhẫy, trông rất tươi mát. Đây vốn là món ăn đặc sản của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn" – anh Hoàng nói.
Tương tự, chị Ngọc – một shop bán bánh ngải khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) cũng vui vẻ chia sẻ: “Bánh ngải được làm từ gạo nếp và lá ngải cứu nên khi ra lò, bánh có màu xanh mướt mắt.
Nhìn màu sắc bánh xanh mát mắt đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ban đầu khách đặt thử chục chiếc một, ăn thấy ngon họ lại đặt tiếp. Còn những khách đã ăn quen bánh ngải từ lâu thì họ rất thích và đặt mua nhiều. Hơn nữa giá bánh cũng rất phải chăng, chỉ 40k/chục. Trung bình mỗi khách đặt từ 4 - 5 chục, nhiều là 100 bánh để ăn và mang cho bạn bè thưởng thức”.
Bánh được làm từ bột gạo nếp và rau ngải cứu |
Chị Ngọc cũng cho hay, bánh ngải ngon nhất là ăn trong ngày nên chị cứ gom đơn hàng từ sáng tới tối rồi chốt lượng hàng khách đặt để bác chị gửi xuống vào sáng sớm ngày hôm sau. Như thế sẽ đảm bảo bánh tới tay khách được thơm ngon, giữ đúng hương vị.
Theo chia sẻ của chị Ngọc, bánh ngải muốn ngon thì phải có gạo tốt, nhân sên phải mềm, ăn vừa miệng. Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn.
Là một khách hàng quen thuộc của chị Ngọc, chị Hải Anh (Cầu Giấy) cho biết, gia đình chị ai cũng thích ăn loại bánh này, đặc biệt là mẹ chồng và các con.
Nhiều người đặt mua bánh ngải làm quà biếu tặng |
Với màu xanh bắt mắt lại dễ ăn, những lúc nhà có giỗ hay liên hoan, thực đơn mâm cỗ nhà chị Hải Anh đều không thể thiếu món bánh ngải.
"Lần đầu tiên tôi được ăn bánh ngải là khi đi công tác Lạng Sơn. Dù bánh làm bằng lá ngải cứu nhưng khi ăn không có vị đắng mà có mùi thơm, bùi, đặc biệt là không bị ngấy” – chị Hải Anh nói thêm.
Được biết, bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt vừng hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này.
Bánh ngải của người dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn là món ăn truyền thống, thường được làm vào Tết thanh minh và những dịp mừng lúa mới. |
Đặc biệt, tuy được làm từ lá ngải – 1 loại rau có vị ngăm đắng nhưng trải qua 1 công đoạn chế biến kỳ công, tỉ mỉ, bánh ngải hoàn toàn không có vị đắng, không hắc, mà ngọt thơm, dẻo mịn mang đậm nét đặc trưng của miền biên ải xứ Lạng.
Ngoài hương vị hấp dẫn đó, bánh ngải còn có một số tác dụng như điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp… vậy nên bánh ngải không chỉ là một món ăn hấp dẫn thực khách mà còn là 1 bài thuốc chữa bệnh hiệu quả của người miền núi phía Bắc.
Bánh ngải rất kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn có được mẻ bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương, nếp cái hoa vàng được trồng trên nương theo phương pháp canh tác truyền thống, không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng phân hóa học, tuyệt đối không lẫn gạo tẻ.
Phụ nữ Tày, Nùng ở Lạng Sơn không ai là không biết làm bánh ngải, chính vì thế mà bánh lá ngải đã trở thành một món ăn truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác và là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết của người Tày, Nùng.
(Theo Dân Việt)