Nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học Công nghệ Việt
Nam) cho thấy, các vùng đất trước đây bị ô nhiễm do từng khai thác và chế biến
quặng có thể được hồi phục sau 2-3 năm trồng các loại cây như cải xanh, dương
xỉ, cỏ vetiver hay mần trầu…
Theo đó, cả 2 loài dương xỉ (tên khoa học là Pteris Vittata và Pityrogramma
Calomelanos) và cỏ mần trầu (Eleusine Indica) đều có khả năng tích lũy kim loại
nặng, đặc biệt là các chất chì, kẽm, asen và cadmium. Với các vùng ô nhiễm chì
cao thì cỏ Vetiver lại phù hợp hơn cả. Trước đó, loại cỏ này cũng được áp dụng
trồng nhằm chống xói lở đất và hấp thụ kim loại nặng trong nước bị ô nhiễm.
Từ kết quả nghiên cứu sinh học trên, các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện
quy trình công nghệ nhân giống 2 loài dương xỉ bản địa, cỏ mần trầu, cỏ vetiver
để phục hồi ô nhiễm kim loại nặng trên các vùng khai khoáng, đồng thời nghiên
cứu quy trình công nghệ chiết xuất sinh khối kim loại nặng từ thân, rễ các loài
thực vật.
Hiện nay, cỏ vetiver đã được gây trồng từ lâu tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình
và một số tỉnh ven biển miền Trung để chiết xuất tinh dầu. Nhờ có bộ rễ rất phát
triển mà gần đây loài cỏ này được trồng để chống xói lở đất trên đường Hồ Chí
Minh. Cỏ vetiver còn có khả năng hấp thụ rất tốt các chất hòa tan trong nước như
nitơ (N), phốt pho (P) và các nguyên tố kim loại nặng có trong nước bị ô nhiễm.
- M.T