Gấc là loại cây quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Cây gấc được nhiều gia đình trồng làm hàng rào hoặc trồng trước sân nhà. Đây là một loại dây leo, mỗi năm lụi một lần, nhưng lại đâm chồi từ gốc cũ lên vào mùa xuân năm sau.
Với người Việt, quả gấc là một trong những loại quả dân dã và quen thuộc hàng ngày. Mọi người thường lấy cùi, ruột gấc để nấu xôi, làm bánh hay dùng để chế biến các món ăn hoặc tách riêng màng để chiết dầu. Còn phần hạt gấc được coi là phế phẩm, thường bị vứt đi hoặc để trẻ con chơi.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người biết hạt gấc có nhiều công dụng với sức khỏe nên giữ lại loại hạt này để dùng dần.
Chị Thu Hiền (Hà Nội) đã từng sử dụng hạt gấc rang giã mịn rồi ngâm rượu, bôi vào chỗ nám và tàn nhang. Chị Hiền cho biết hạt gấc có công dụng làm mờ nám và tàn nhang rõ rệt.
Nhiều gia đình dùng hạt gấc đã ngâm với rượu để xoa bóp cho đỡ đau và giã mịn hạt gấc để đắp vào hạch.
Trong Đông y, hạt gấc là một vị thuốc quý, được coi là một loại “tiên dược”. Có thể dùng hạt gấc ngâm với rượu bôi ngoài, dùng trong những trường hợp té ngã, bị thương, sưng. Ngoài ra, hạt gấc được sử dụng làm giảm đau xương khớp, trị đau răng hiệu quả, chữa bệnh trĩ, chữa sưng vú, chữa mụn nhọt, ghẻ lở, trị sốt rét, quai bị... Cách dùng và liều lượng sẽ phụ thuộc vào từng bệnh, người dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng.
Theo y học hiện đại, trong nhân hạt gấc có 55,3% chất béo, 16,6% chất đạm, 1,8% tanin, 2,8% xenluloza, 6% nước, 2,9% chất vô cơ, 2,9% đường, 11,7% chất khoáng… Ngoài ra còn có một lượng nhỏ các men photphotoba, invedaxa…
Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều người muốn sử dụng hạt gấc nên nhiều tiểu thương đã thu gom loại hạt này để bán. Nhiều thương lái đang lùng mua từng cân hạt gấc với giá cao, số lượng lớn để bán sang Trung Quốc. Hạt gấc tươi được các thương lái thu mua với giá 20.000-35.000 đồng/kg.
Trên chợ mạng, mỗi kg hạt gấc tươi có giá 50.000 đồng. Hạt gấc rang, đóng gói có giá 90.000-100.000 đồng/kg. Còn bột hạt gấc có giá từ 130.000-150.000 đồng/kg.