Trong khi luật bản quyền tại Nhật Bản đang được thắt chặt nhằm bảo vệ quyền lợi của các họa sĩ, các tác giả thì mới đây, một loại hình sáng tác truyện tranh mới nổi mang tên Doujinshi lại đang đe dọa tới sự phát triển của cộng đồng họa sĩ xứ sở hoa anh đào.

 

Doujinshi có thể tạm hiểu là một hình thức sáng tác truyện tranh fan-made, do các fan, các họa sĩ trẻ mới vào nghề sáng tác và chế lại các câu chuyện mới dựa theo hình ảnh của những nhân vật truyện tranh đã nổi tiếng từ xưa đến nay trong làng manga Nhật Bản.

Nói đến đây, có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng ở Nhật Bản, một nơi coi trọng vấn đề bản quyền như vậy thì tại sao bạn lại có thể sáng tác truyện mà dùng hình ảnh nhân vật nổi tiếng của họa sĩ khác như vậy? Và nó gây ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng mà bị mang tiếng là "đe dọa" tới sự phát triển của nền công nghiệp Manga?

 

Để trả lời cho vấn đề này, chúng ta cần phải bắt đầu tìm hiểu về việc các tác phẩm Doujinshi ra đời như thế nào, tiêu thụ ra sao?

Chúng ta hãy cùng lấy một ví dụ, đó là One Piece, ông hoàng truyện tranh Nhật Bản này thường xuyên được các fan hâm mộ sử dụng hình ảnh để "chế" lại thành các mẩu ngoại truyện ngắn. Các tác giả trẻ vẽ chúng và in với số lượng rất ít, chỉ khoảng một vài bản chứ không hề sản xuất đại trà. Sau đó, họ bán lại chúng cho những fan hâm mộ của truyện trong các dịp lễ hội manga hay ở các hội chợ trao đổi truyện tranh.

 

Về cơ bản thì các tác giả, các đơn vị nắm giữ bản quyền đều biết chuyện này nhưng đa phần đều cho qua bởi số lượng truyện chế như vậy thường khá ít (cả về số đầu truyện lẫn số lượng bản in) và cho rằng đây chỉ là các bản vẽ fan-made, chỉ là các tác phẩm tập sự cho những họa sĩ trẻ thể hiện mình mà thôi nên chẳng ai đả động gì đến việc quản lý hay kiện cáo gì cả.

Kết quả là phong trào chế truyện fan-made, tự xuất bản (số lượng khá nhỏ) cứ thế phát triển dần. Điển hình như trong lễ hội Comiket, đã có rất nhiều fan hâm mộ đứng xếp hàng dài chờ để mua được các tác phẩm truyện tranh tự xuất bản Doujinshi.

 

Tất nhiên là số lượng của mỗi đầu truyện tự xuất bản này cũng khá là nhỏ và không khiến cho các tác giả, các bên nắm giữ bản quyền truyện tỏ ra quan tâm lắm. Mà theo phía cảnh sát Nhật Bản thì nếu bên nắm giữ bản quyền không có ý kiến gì thì họ cũng... chẳng thể làm gì các tác giả Doujinshi cả.

Chính điều này cũng đã khuyến khích phong trào sáng tác truyện tranh chế, ăn theo các nhân vật truyện tranh đã nổi tiếng trước đó ngày một phát triển. Tuy rằng số lượng ấn bản in cho mỗi đầu truyện khá ít nhưng bù lại, số đầu truyện lại ngày càng tăng lên khiến cho các sản phẩm Doujinshi cứ theo đó mà phát tán rộng rãi.

 

Theo nhiều chuyên gia thì nếu cứ để phong trào sáng tác truyện tranh Doujinshi phát triển rộng rãi như vậy thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của các nhà xuất bản và chưa biết chừng trong tương lai tới, hình thức này sẽ là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp xuất bản manga truyền thống tại đất nước này.

Theo Trí Thức Trẻ