Một thiên thạch khổng lồ dự kiến sẽ va chạm với Trái đất vào ngày 16/3/2880 và được cho là có thể xóa sổ toàn bộ loài người. Các chuyên gia hiện vẫn chưa biết làm cách nào để ngăn chặn nó.


Thiên thạch đáng sợ trên có số hiệu là 1950 DA, được phát hiện lần tiên vào tháng 2/1950. Các chuyên gia nghiên cứu thiên thạch này nhận thấy, nó quay nhanh đến mức sẽ nứt vỡ thành các mảnh nhưng những mảnh này bằng cách nào đó vẫn nguyên vẹn trên đường cùng lao về phía Trái đất.

Các nghiên cứu trước đây từng cho thấy, thiên thạch là những đống đá vụn lỏng lẻo, liên kết với nhau bằng trọng lực và lực ma sát. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đến từ Đại học Tennessee (Mỹ) đã tìm hiểu xem điều gì khiến khối thiên thạch không bị vỡ vụn.

Bằng cách tính toán nhiệt độ và mật độ của 1950 DA, nhóm nghiên cứu đã khám phá ra các lực cố kết, giúp thiên thạch không phân tách. Nhà nghiên cứu Ben Rozitis giải thích: "Chúng tôi phát hiện, 1950 DA đang quay nhanh hơn ngưỡng phân tách đối với mật độ của nó. Vì vậy, nếu trọng lực đang kết dính đống gạch đá này với nhau như giả định chung lâu nay, nó sẽ bay tách rời. Do đó, các lực cố kết giữa các hạt chắc chắn đang giữ thiên thạch là một khối".

Trong thực tế, 1950 DA xoay nhanh ở xích đạo của nó tới mức thiên thạch đang trải qua trọng lực tiêu cực hay phản trọng lực. Điều đó có nghĩa là, nếu một phi hành gia nỗ lực đứng trên bề mặt của thiên thạch này, họ sẽ bị hất văng vào không gian.

Giới nghiên cứu từng phỏng đoán sự tồn tại của các lực cố kết ở những thiên thạch nhỏ, nhưng họ chưa bao giờ quan sát được bằng chứng đáng tin cậy về điều này trước đây. Theo các chuyên gia của Đại học Tennessee, hiểu được cách liên kết của thiên thạch 1950 DA có thể giúp loài người tìm ra cách phòng vệ trước nó.

Thiên thạch 1950 DA đang di chuyển về phía Trái đất với vận tốc 15km/giây. Thiên thạch này dự kiến sẽ lượn rất sát Trái đất và có thể đâm vào Đại Tây Dương với vận tốc hơn 61.000km/h. Nếu va chạm với hành tinh của chúng ta, 1950 DA ước tính sẽ tạo ra một lực tương đương khoảng 44.800 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Mặc dù xác suất xảy ra va chạm hiện chỉ là 0,3%, nhưng nó mang tới nguy cơ lớn hơn 50% bất kỳ va chạm nào có thể xảy ra giữa các thiên thạch khác với Trái đất. Trong suốt lịch sử tồn tại rất dài của Trái đất, các thiên thạch với kích cỡ bằng hoặc lớn hơn 1950 DA đã va chạm với hành tinh của chúng ta một cách định kỳ. Chẳng hạn như, vụ va chạm có tên K/T từng chấm dứt kỷ nguyên của khủng long cách đây 65 triệu năm.

Mặc dù vẫn chưa biết cách thức chính xác để ngăn chặn viễn cảnh thảm họa, các nhà khoa học tuyên bố, chúng ta không cần phải quá lo lắng. Họ cho rằng, nếu cần phải đổi hướng 1950 DA, hàng trăm năm cảnh báo có thể cho phép chúng ta sử dụng biện pháp đơn giản như phủ bụi bề mặt thiên thạch bằng phấn hoặc than củi hay các hạt thủy tinh trắng. Điều này được cho là sẽ làm thay đổi hệ số phản xạ của thiên thạch, cho phép ánh sáng làm công việc đẩy thiên thạch đi chệch hướng.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)