AMD mang đến Computex 2022 dòng CPU Ryzen 7000. Được phát triển trên kiến trúc Zen 4, dòng chip mới cho hiệu năng đơn luồng cao hơn 15% thế hệ trước. Phiên bản mạnh nhất của Ryzen 7000 có 16 nhân xử lý, hỗ trợ ép xung lên cao hơn 5 GHz. Hãng cũng công bố thời gian dựng đồ họa (render) bằng Blender trên model này nhanh hơn 31% so với Intel Core i9-12900K. Theo AMD, card đồ họa (GPU) tích hợp trên Ryzen 7000 không dành để chơi game. Ảnh: AMD. |
Dòng CPU Ryzen 7000 được thiết kế trên nền tảng chipset 600 series và socket (đế gắn chip) AM5. Người dùng cần mua bo mạch chủ với chipset X670E nếu muốn tận dụng hết khả năng ép xung, trong khi chipset X670 và B650 có giá mềm hơn, rút gọn một số tính năng. Những nâng cấp nổi bật trên chipset 600 series gồm tương thích chuẩn RAM DDR5, PCIe 5.0 cho tốc độ truyền dữ liệu cao hơn. Ảnh: AMD. |
Tại Computex 2022, các hãng phần cứng như MSI, Acer, Asus hay Gigabyte đã giới thiệu loạt bo mạch chủ (mainboard) sử dụng chipset và socket dành cho Ryzen 7000. Mỗi sản phẩm đều có thiết kế, công nghệ đặc trưng của nhà sản xuất. Các mẫu mainboard với socket AM5 có thể hỗ trợ tối đa 24 làn PCIe 5.0, 14 cổng USB và 4 cổng xuất màn hình độc lập. Giá bán và ngày lên kệ cho các mẫu mainboard dự kiến được công bố vào mùa thu năm nay. Ảnh: MSI. |
Được giới thiệu từ năm 2019 nhưng phải đến 2022, các hãng phần cứng mới phổ biến chuẩn PCIe 5.0 (PCI Express 5.0) cho người dùng. Tại Computex 2022, Apacer và Zadak đã giới thiệu ổ cứng SSD hỗ trợ PCIe 5.0 (AS2280F5 và TWSG5) cho tốc độ đọc tối đa 13.000 MB/s, tốc độ ghi 12.000 MB/s, nhanh gần gấp đôi các dòng SSD hiện nay. Băng thông của PCIe 5.0 có thể đạt 128 GB/s, gấp đôi so với PCIe 4.0. Cùng với CPU Ryzen 7000, AMD sẽ trình làng các mẫu SSD hỗ trợ PCIe 5.0 trong thời gian tới. Ảnh: Apacer. |
Hãng sản xuất phụ kiện, linh kiện chơi game Corsair gia nhập thị trường laptop với mẫu Voyager A1600. Theo Digital Trends, thiết bị sử dụng toàn bộ phần cứng của AMD, tập trung cho stream game với webcam Full HD, cài sẵn phần mềm phát sóng của Elgato, tích hợp 10 nút điều khiển cảm ứng ở bản lề có tên macro bar, lấy ý tưởng từ Touch Bar của MacBook. Ảnh: Corsair. |
Corsair Voyager A1600 trang bị webcam Full HD, màn hình 16 inch độ phân giải Quad HD, tần số quét 240 Hz. Về phần cứng, máy trang bị CPU AMD Ryzen 7 6800HS hoặc Ryzen 9 6900HS, GPU Radeon RX 6800M, RAM 32/64 GB, SSD 1/2 TB, bàn phím dùng switch Cherry MX Ultra-Low Profile với đèn RGB. Thiết bị dự kiến lên kệ từ mùa hè năm nay với giá khởi điểm 2700 USD. Ảnh: Corsair. |
Không ra mắt GPU chơi game, NVIDIA mang đến Computex 2022 phiên bản tích hợp tản nhiệt chất lỏng cho A100 và H100, các dòng GPU dành cho trung tâm dữ liệu. Theo NVIDIA, tích hợp tản nhiệt chất lỏng cho GPU giúp giảm năng lượng tiêu thụ khoảng 30%, tối ưu việc sử dụng nước. Do chỉ trang bị trong trung tâm dữ liệu, các mẫu GPU này có giá rất cao và không được bán rộng rãi cho người dùng phổ thông. Ảnh: NVIDIA. |
NVIDIA cũng hợp tác với Asus để ra mắt mẫu màn hình chơi game tần số quét 500 Hz. Đây là màn hình 500 Hz đầu tiên dành riêng cho game thủ, phục vụ những người thường chơi các game chuyển động nhanh, cần sự chính xác cao. Ảnh: NVIDIA. |
Các thông số của màn hình gồm kích thước 24 inch, độ phân giải Full HD, công nghệ NVIDIA Reflex giúp độ nhạy của chuột và bàn phím, giảm độ trễ màn hình xuống thấp nhất. Thiết bị sử dụng tấm nền E-TN (eSports TN) cho thời gian phản hồi nhanh hơn 60% so với màn TN thông thường. Giá bán của màn hình chưa được công bố, nhiều khả năng đắt hơn mức 600 USD của ROG Swift PG259QNR, dòng màn hình 360 Hz được Asus công bố cách đây 2 năm. Ảnh: NVIDIA. |
LG ra mắt UltraGear 48GQ900, màn hình chơi game đầu tiên của hãng trang bị tấm nền OLED. Thiết bị có kích thước 47,5 inch, độ phân giải 4K, tần số quét 120-138 Hz, thời gian phản hồi 0,1 ms, hỗ trợ VRR (Variable Refresh Rate), AMD FreeSync và NVIDIA G-Sync. Màn hình này trang bị 3 cổng HDMI 2.1 và một cổng DisplayPort, hệ thống loa 2x20 W, kèm theo remote để chỉnh âm lượng và chế độ sử dụng. Ảnh: LG. |
Sau Alienware, MSI là hãng tiếp theo công bố màn hình chơi game với tấm nền QD-OLED, tên mã MEG 342C. Công nghệ này kết hợp các ưu điểm của tấm nền OLED như độ sáng cao, độ tương phản rộng, màu đen sâu với chấm lượng tử (quantum dot) cho khả năng tái tạo màu sắc tốt hơn. Màn hình QD-OLED của MSI có kích thước 34 inch, tần số quét 175 Hz, đạt 99,3% dải màu DCI-P3, trang bị một số tính năng độc quyền của MSI như giảm ánh sáng xanh, Picture-by-Picture và Picture-by-Picture. Giá bán của màn hình chưa được tiết lộ. Ảnh: MSI. |
(Theo Zing)
Triển lãm thiết bị âm thanh cao cấp bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Ảnh hưởng của Covid-19, các triển lãm âm thanh cao cấp bị huỷ bỏ và bắt đầu xuất hiện các sự kiện nhỏ lẻ cho người dùng thưởng thức.