Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành rà soát 79 dự án chậm tiến độ.

Trong số đó, có 24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi, 29 dự án cần giám sát đặc biệt và 26 dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện.

Đến nay, có 17/24 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định. Trong đó, cơ quan quản lý đầu tư đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 10 dự án, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của 6 dự án.

{keywords}
Sau 13 năm triển khai, dự án khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Vinconstec - Huế (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) mới làm xong phần thô
{keywords}
Dự án "rùa bò" thành chỗ nhậu cho người dân

Đối với 29 dự án nằm trong nhóm chậm tiến độ, giám sát đặc biệt, cơ quan quản lý đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc với nhà đầu tư để giám sát, đôn đốc tình hình thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Theo đó, trong số 29 dự án cần giám sát đặc biệt, đến nay đã thu hồi, chấm dứt hoạt động 8 dự án do nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên -Huế có 112 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư là 3.989 triệu USD.

Đối với dự án có nguồn vốn doanh nghiệp trong nước, năm 2021, tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 dự án, với tổng vốn đầu tư 10.499 tỷ đồng; điều chỉnh 29 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 700 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hàng chục dự án chậm tiến độ, ngừng triển khai trong thời gian dài và có tính chất phức tạp trong việc đề xuất xử lý, làm xấu môi trường đầu tư của tỉnh như dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam; Dự án Khai thác cát thủy tinh tại khu vực Trầm Bầu Bàng của Công ty Cổ phần khoáng sản và đầu tư Khánh Hòa; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân Golf Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú - Lăng Cô,...

Với loạt dự án này, cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục giám sát đặc biệt, rà soát cơ sở pháp lý, tình hình triển khai thực tế để tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp.

Những ngày qua, PV có mặt tại huyện Phú Lộc - nơi tập trung nhiều dự án du lịch “đắp chiếu”, có một số dự án dù cấp phép hơn một thập kỷ nhưng vẫn chưa triển khai.

Điển hình là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân Golf Lăng Cô tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Khởi công vào năm 2008, dự án này có tổng vốn đăng ký 5.230 tỷ đồng, diện tích hơn 290ha do Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô làm chủ đầu tư.

Với thiết kế gồm 3 hạng mục công trình gồm khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích 17.000m2. Trên thực tế, dự án vẫn đang nằm “trên giấy”.

Ông Hắc Xuân Thi, cán bộ mặt trận thôn Phú Hải 2 (xã Lộc Vĩnh) cho hay, dù dự án được cấp phép hơn 13 năm nhưng đến nay, việc triển khai đền bù cho người dân nhường đất cho dự án vẫn chưa hoàn thành.

{keywords}
Một dự án khu du lịch hàng nghìn tỷ tại Lăng Cô chậm tiến độ
{keywords}
Dự án xây dựng khu công viên cây xanh, quảng trường khu hành chính tập trung tỉnhbị chậm tiến độ
{keywords}
Cảnh hoang tàn tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô

“Nhiều hộ dân đã được quy hoạch trong vùng dự án, dù nhà ở, đường sá xuống cấp trầm trọng, sạt lở kéo dài nhiều năm cũng không được sửa chữa khiến người dân rất bức xúc”, ông Thi chia sẻ.

Cũng tại huyện Phú Lộc, điển hình theo kiểu xây dựng “rùa bò” còn có dự án khu du lịch Bãi Chuối nằm ở vị trí tuyệt đẹp chạy dọc theo biển Lăng Cô.

Được cấp phép tại khu vực Bãi Chuối để xây dựng khu nghỉ dưỡng, với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng, diện tích thuê đất lên đến 100ha. Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2014 nhưng đến nay vẫn đang là một khu đất bạt ngàn đang bỏ hoang.

Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nhiều nguyên nhân khiến hàng loạt dự án trên địa bàn bị chậm tiến độ hoặc phải thu hồi. Khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009 và tiếp tục suy thoái vào năm 2011 kéo dài đến nay, lãi suất vay cao, thị trường trầm lắng đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư cũng như công tác huy động, giải ngân vốn đầu tư của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, do khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai nên nhà đầu tư triển khai chậm tiến độ so với tiến độ được cấp phép.

“Quan điểm của tỉnh trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư là “không thu hút đầu tư bằng mọi giá, hạn chế các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, ưu tiên các dự án của các nhà đầu tư lớn, dự án công nghệ cao. Vì thế, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng đất và xử lý các dự án chậm tiến độ, ngừng hoạt động trên địa bàn", ông Vui nói.

Quang Thành

Buôn sắt thép thắng lớn nhưng DN này lại vẫn lỗ đậm, giải thể, dính đại án

Buôn sắt thép thắng lớn nhưng DN này lại vẫn lỗ đậm, giải thể, dính đại án

2021 là một năm thắng lợi của ngành thép, doanh thu và lợi nhuận toàn ngành tăng mạnh, đặc biệt là các ông lớn. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp thép lại làm ăn bết bát, mắc kẹt trong đại dự án sai phạm.