Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2022, nhằm thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh, chiến lược kinh doanh sản phẩm và tri ân khách hàng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, bên cạnh việc tập trung nguồn lực vượt qua “bão kép” của dịch bệnh và giá dầu biến động, các khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý đã đồng hành BSR vượt qua khó khăn, thách thức trong hơn 2 năm qua. “Những khủng hoảng thời gian qua cũng là cơ hội để BSR và các khách hàng tìm ra những con đường mới, cơ hội hợp tác mới cùng nhau phát triển và tiến xa hơn nữa” - ông Bùi Ngọc Dương khẳng định.
Theo ông Dương, BSR đã và đang tăng tốc thực hiện chuyển đổi số, cập nhật các xu hướng quản trị hiện đại để nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị, chủ động thích ứng với sự thay đổi và biến động vĩ mô bằng cách không ngừng tối ưu các quy trình hoạt động, các giải pháp, linh hoạt trong kinh doanh và nâng tầm văn hóa doanh nghiệp. BSR đang xây dựng, cập nhật chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với trọng tâm theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Báo cáo tình hình thị trường dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu trong nước, quốc tế , Phó Tổng giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng cho biết Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nên nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu rất lớn, đặc biệt nguyên liệu nhựa.
Đối với thị trường xăng dầu, từ năm 2018 nguồn cung trong nước đang dần ổn định và đạt khoảng 17 - 18 triệu tấn/năm, trong đó BSR cung cấp khoảng 35% sản lượng. Dự báo nhu cầu xăng tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và đạt đỉnh sớm vào giai đoạn 2030 - 2035.
Đối với sản phẩm LPG, tiêu thụ trong nước hiện nay ước đạt 2,3 triệu tấn (85% cho dân dụng và thương mại, 15% cho công nghiệp). Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam với sản lượng khoảng 900 nghìn tấn/năm; trong đó, LPG Dung Quất khoảng 450.000 - 500.000 (tấn/năm), sản lượng LPG Dinh Cố và Cà Mau khoảng 360.000 - 400.000 (tấn/năm); đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu cả nước.
Nguồn cung hạt nhựa PP nội địa khoảng 1,3 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 30 - 40% nhu cầu tiêu thụ. PP Nghi Sơn chiếm 20% sản lương sản xuất nhưng chủ yếu được dùng để xuất khẩu. PP Dung Quất chiếm một phần nhỏ thị trường nội địa nhưng là sản phẩm có thương hiệu lâu năm trên thị trường, chất lượng rất tốt. Nguồn cung còn lại từ nhập khẩu từ Trung Đông và châu Á thông qua các nhà sản xuất lớn. Vì vậy, BSR có nhiều dung lượng thị trường để có thể tăng công xuất Nhà máy PP cũng như đầu tư mở rộng sản lượng.
Phó Tổng Giám đốc BSR nhận định thế giới đang dần chuyển đổi năng lượng, mức đầu tư vào phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tăng nhanh từ năm 2020, BSR đã và đang tăng tốc thay đổi, tìm kiếm các giải pháp để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên nhận định, bên cạnh sự nỗ lực của BSR, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của PVN còn có sự ủng hộ, hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xăng dầu, khí, hạt nhựa trên toàn quốc với tiêu chí lợi ích hài hòa, thách thức sẻ chia. Ông Huyên yêu cầu BSR tiếp tục phát huy nội lực hiện có, hợp tác có chiều sâu với các khách hàng…
Bày tỏ cảm ơn tới khách hàng đã đồng hành cùng BSR vượt qua khó khăn, ông Bùi Minh Tiến - thành viên hội đồng thành viên PVN chia sẻ: "Thách thức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu vô cùng lớn. Vì vậy các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, gắn kết để "cùng vượt thách thức, lan tỏa thành công" như thông điệp đã đưa ra tại hội nghị".
Tại sự kiện, BSR cũng trao Kỷ niệm chương nhằm tri ân các khách hàng đã đồng hành cùng BSR trong suốt chặng đường vừa qua.
Đức Chính