Cái chết của ít nhất 16 người trong vụ đánh bom tự sát ở miền nam nước Nga ngày 29/12 trước khi kỳ Olympics tại thành phố Sochi đã khiến cho vấn đề an ninh quanh Đại hội Thể thao này trở thành trọng điểm quan tâm của thế giới.

TIN BÀI LIÊN QUAN:  


{keywords}

Chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom ở Volgograd nhưng diễn biến bạo lực này xảy ra vài tháng sau khi thủ lĩnh phiến quân Chechnya Doku Umarov kêu gọi tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Nga, trong đó có Olympics Sochi. Umarov - thủ lĩnh tự xưng của một nhóm khủng bố tự nhận là Caucasus Emirate - đã kêu gọi người Hồi giáo ngăn không cho Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở Sochi.

"Một câu hỏi để ngỏ là hắn ta có thực quyền mạnh đến mức nào đối với các nhóm khác nhau này", Jeffrey Mankoff, Phó giám đốc và là ủy viên chương trình Nga và Á - Âu thuộc Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận xét. "Rất nhiều cuộc tấn công dường như bắt nguồn cảm hứng từ Umarov nhưng có thể không do hắn chỉ đạo trực tiếp".

"Với một nhóm khủng bố ở Caucasus thì Olympics Sochi sẽ là một mục tiêu rất hấp dẫn". Steven Pifer - Giám đốc Sáng kiến Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến hạt nhân thuộc Viện Brookings bình luận. "Tôi nghĩ bạn sẽ thấy ở Olympics Sochi một sự hiện diện an ninh dày đặc".

Chính phủ Nga đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ, cảnh sát và nhân viên an ninh để bảo vệ Thế vận hội.

Một số tên khủng bố Hồi giáo coi sự kiện thể thao này là "sự khiêu khích về lãnh thổ mà chúng xem là đã bị đánh cắp khỏi người Hồi giáo từ thế kỷ 19", theo ông Mankoff.

"Đó là một môi trường cực kỳ căng thẳng", Mankoff nói thêm và nhấn mạnh rằng, phong trào phiến quân Hồi giáo trong khu vực bắt đầu từ khoảng năm 1990 ở Chechnya. "Chechnya tương đối yên bình nhưng tổ chức này đã lan rộng sang các địa bàn xung quanh".

Nước Nga đã chứng kiến một loạt vụ đánh bom liều chết trong những năm qua song nhiều vụ chỉ trong giới hạn Bắc Caucasus, thành trì của một phong trào đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo trong khu vực. Cho đến mới đây, Volgograd vẫn chưa trở thành một mục tiêu đặc biệt trong khi thành phố từng là Stalingrad thì bị tấn công 2 lần liền chỉ trong 2 tháng - cho thấy phiến quân có thể sử dụng đầu mối giao thông này như một cách thể hiện rằng chúng đã vươn ra khỏi đại bản doanh của mình.

Volgograd nằm cạnh các tỉnh vùng Caucasus, cách Moscow 880km về phía nam và cách thành phố nghỉ dưỡng Sochi 640km về phía đông bắc. Có tin nói rằng hung thủ vụ tấn công ngày 29/12 là một phụ nữ. Trong khi đó, Interfax dẫn lời các quan chức thi hành luật nói rằng hình ảnh mà máy quay giám sát ghi lại được cho thấy nghi phạm là một nam giới.

Dù là ai thì kẻ thủ ác cũng kích hoạt các thiết bị nổ trước một máy dò kim loại ở cổng chính của nhà ga, nơi một cảnh sát thấy nghi ngờ liền chạy tới kiểm tra đối tượng và đã tử vong tại chỗ.

"Khi kẻ đánh bom liều chết nhìn thấy cảnh sát gần máy dò kim loại thì cô ta hoảng sợ và kích hoạt thiết bị nổ mang theo người", Vladimir Markin - phát ngôn viên của Cơ quan Điều tra Nga - mô tả trong một thông điệp sau vụ tấn công. Ông khẳng định rằng kiểm soát an ninh đã giúp giảm thiểu thương vong.

Phụ nữ đánh bom liều chết tăng cao ở Nga và họ được gọi là "góa phụ đen". Vào tháng 10 vừa qua, một phụ nữ tự nổ tung mình trên một xe buýt ở Volgograd làm 6 người chết và 30 người bị thương. Đối tượng này là người tỉnh Dagestan, thành trì của phiến quân Hồi giáo.

Sau vụ tấn công ngày 29/12, Bộ Nội vụ Nga đã ra lệnh cho cảnh sát tăng cường tuần tra tại các ga xe lửa và các cơ sở giao thông khác trên khắp cả nước. Trước kia, Nga từng hứng chịu tấn công khủng bố nhằm vào xe buýt, tàu hỏa và máy bay. Vụ đánh bom kép nhằm vào tàu điện ngầm Moscow hồi tháng 3/2010 đã cướp sinh mạng của 40 người và làm bị thương hơn 120 người khác. Còn hồi tháng 1/2011, một phụ nữ tấn công liều chết sân bay Domodedovo ở Moscow làm 37 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương.

Umarov, kẻ nhận trách nhiệm một loạt vụ đánh bom trong các năm 2010 và 2011, đã yêu cầu tấn công vào các mục tiêu dân sự trong thời gian nổ ra biểu tình chống Tổng thống Vladimir Putin hồi mùa đông năm 2011-12. Hắn lặp lại kêu gọi này vào tháng 7 vừa qua, huy động quân của mình "nỗ lực hết sức làm trật bánh" Thế vận hội Sochi.

Ủy ban Olympics quốc tế đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân vụ đánh bom ngày 29/12 và tuyên bố họ tin tưởng ở công tác chuẩn bị an ninh của Nga cho sự kiện thể thao toàn cầu này.

"Tại Thế vận hội, an ninh là trách nhiệm của các nhà chức trách địa phương và chúng tôi chắc chắn các quan chức Nga sẽ hoàn thành nhiệm vụ", trích thông cáo của Ủy ban Olympics quốc tế.

Các khu vực an ninh được thiết lập quanh Sochi trải rộng khoảng 100km dọc bờ Biển Đen và sâu 40km vào trong đất liền. Các lực lượng Nga bao gồm cả lính đặc nhiệm sẽ tuần tra mọi khu vực núi non rậm rạp ở Sochi, với các máy bay không người lái sẽ giám sát các cơ sở thi đấu từ xa trong khi các tàu tuần tra hoạt động liên tục trên biển.

Kế hoạch an ninh bảo vệ Olympics Sochi còn bao gồm cả lệnh yêu cầu ôtô ở bên ngoài khu vực từ 1 tháng trước khi Đại hội thể thao bắt đầu và một tháng sau khi sự kiện này kết thúc.

Thanh Hảo (Theo USA Today)