-Ở phương Tây, phần lớn những người con khi nhờ bố mẹ ruột của mình đến chăm sóc các cháu thì đều trả tiền - có thể số tiền trả sẽ ít hơn khi trả cho những người ngoài. Bố mẹ vui vẻ nhận số tiền đó như là một sự đương nhiên - cả hai phía: cha mẹ và con cái đều không lấy làm áy náy.


Tôi đã từng đi khá nhiều nơi trên thế giới và nhận thấy điều này:

Ở Việt Nam trong công viên, vườn hoa, hoặc các điểm vui chơi của trẻ em thì thấy khá nhiều các ông bà cụ bế cháu hoặc đẩy xe đưa các bé đi dạo hay thậm chí đút ăn cho cháu giữa chốn công cộng. Bức tranh tương tự cũng thường hay bắt gặp tại Nga nhưng ở Mỹ thì những hình ảnh đó cực kỳ hiếm.

Ở Việt Nam việc ông bà chăm sóc cháu được mặc định là chuyện đương nhiên. Thậm chí, rất nhiều người Việt tuy đã có quốc tịch nước ngoài, đang sống ở châu Âu hoặc Mỹ, quen với văn hóa bên đó rồi nhưng vẫn mang nặng tư tưởng “ông bà phải (hoặc nên) chăm sóc các cháu để bố mẹ tụi nhỏ có thời gian làm việc, kiếm sống.

Trong những người bà con của tôi có trường hợp tương tự có thể nói là điển hình trong việc “ông bà phải chăm sóc cháu” nói trên.

{keywords}
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng sinh sống và làm việc tại Mỹ, con đẻ ra thì gửi về Việt Nam nhờ ông bà ngoại nuôi. Khi đứa bé được khoảng 3-4 tuổi thì đón lại sang Mỹ rồi vợ chồng lại ... sinh tiếp đứa khác và lại điệp khúc gửi bé về Việt Nam cho ông bà nuôi. 

Thế rồi bé thứ 2 lớn lên lại đem sang Mỹ để kịp cho bé đi học. Khi cả 2 bé sang lại Mỹ rồi 2 vợ chồng bận công việc quá nên mời bà ngoại sang giữ 2 cháu dùm. Bà ngoại lúc đầu sang Mỹ theo visa du lịch, sau con làm bảo lãnh luôn - giờ bà có thẻ xanh, sắp vô quốc tịch Mỹ rồi.

Bà cũng chẳng thích thú gì ở Mỹ khi suốt ngày chỉ lẩn quẩn ở nhà nấu ăn, chăm cháu, tiếng Anh không biết, các mối quan hệ xã hội cũng không... Bà rất muốn về lại Việt Nam nhưng mỗi khi bà về phép thì bên Mỹ lại giục: "Bà ơi, nhanh sang lại Mỹ, các cháu không có ai chăm...". Sau này người chồng trong gia đình đã "dũng cảm" cương quyết hơn khi quyết định cho bà ngoại về Việt Nam bao nhiêu tùy ý bà, bà còn trẻ, còn nhớ ông ngoại, không thể bắt bà hy sinh héo mòn bên Mỹ vì mấy đứa cháu được...

Một trường hợp khác xảy ra với gia đình người quen của tôi. Con gái sang Mỹ lấy chồng, sanh con. Lại điệp khúc bận bịu quá nên rước người mẹ từ Việt Nam qua chăm cháu ngoại. Bà sang theo diện visa du lịch, khi hết hạn ở Mỹ 6 tháng thì con rể muốn bà ở lại thêm để trông cháu nên đã làm thủ tục xin gia hạn cư trú cho bà ngoại. 

Nhưng vì trục trặc giấy tờ gì đó nên không kịp (hoặc không được) Sở Di trú Mỹ chấp thuận, bà phải bỏ vé chiều về và cũng không dám về Việt Nam nữa bởi biết nếu về sẽ có rất nhiều khả năng không xin được visa sang lại. Hiện tại đã sang năm thứ 3 bà sống bất hợp pháp ở Mỹ. Bà sống với sự mỏi mòn trông ngóng về Việt Nam bởi ở đó bà còn công việc dang dở, còn mấy người con, đứa cháu... Vẫn là bức tranh chung: không biết tiếng Anh, không có mối giao tiếp với xã hội, suốt ngày quanh quẩn trong nhà trông cháu ...

Trào lưu đưa ông bà (nhất là bà) từ Việt Nam sang Mỹ để trông cháu đã phổ biến đến nỗi nhân viên Lãnh sự quán Mỹ hay đưa ra những câu hỏi "Bà (cô, chị) có ý định làm nghề giữ trẻ (Babysitter) khi đến Mỹ không?" khi phỏng vấn những người phụ nữ luống tuổi xin visa đi Mỹ du lịch hoặc thăm thân nhân.

Vậy các bậc ông bà châu Âu hoặc Mỹ hay Úc thì sao? Họ có hay nhận "nhiệm vụ" chăm sóc cháu dùm con cái của họ không? Tất nhiên là có chứ nhưng không phổ biến như ở Việt Nam. Không thể nói rằng ông bà ở phương Tây không thương yêu con cháu bằng ở Việt Nam. Chẳng qua vì sự khác biệt về văn hóa và lối sống khác nhau. 

Ở phương Tây đề cao sự tự lập và tự do cá nhân - thường thường thì con cái đến 18 tuổi sẽ rời khỏi cha mẹ ra ở riêng, ngay cả tiền học Đại học cũng phần lớn là vay mượn của Nhà nước, khi nào ra trường, đi làm rồi trả nợ dần. Con cái đã ra ở riêng, thi thoảng mới trở về nhà thăm bố mẹ như những người khách thì khó mà hy vọng ông bà sẽ đến nhà mà chăm cháu cho bố mẹ đi làm, đi chơi.

Ở phương Tây cuộc sống rất tất bật, cả đời người lo đi làm để trả cho hết nợ tiền nhà, tiền xe... nên chỉ có thể hưởng thụ cuộc sống khi đã về hưu. Vì vậy thay vì phải ngồi nhà chăm cháu thì các bậc ông bà dắt nhau đi đánh golf, đi du lịch hoặc tham gia các khóa khiêu vũ, các hội làm vườn...

Phần lớn những người con khi nhờ bố mẹ ruột của mình đến chăm sóc các cháu thì đều trả tiền - có thể số tiền trả sẽ ít hơn khi trả cho những người ngoài. Bố mẹ vui vẻ nhận số tiền đó như là một sự đương nhiên - cả hai phía: cha mẹ và con cái đều không lấy làm áy náy. Một số bậc ông bà khi chăm sóc các cháu ruột có thể không có ý định lấy tiền trực tiếp nhưng vẫn hy vọng con cái mình sẽ trả bằng một cách khác (ví dụ bố trí, trả tiền chi phí mọi thứ cho một chuyến đi du lịch chẳng hạn).

Theo số liệu của Hội người cao tuổi Úc thì hiện có khoảng 300 ngàn người Úc từ khoảng tuổi 50 đến 74 đang chăm sóc các cháu của mình và 1/3 trong số đó còn phải làm những việc khác để kiếm tiền. Vì vậy theo logic ngoài việc ông bà chăm sóc các cháu ngoài vì tình thương thì ông bà còn có quyền được trả công về việc đó. Xã hội phương Tây "rạch ròi" đôi khi đến mức độ "lạnh lùng" theo cách đánh giá của người Việt.

Trên báo chí phương Tây không ít những bài với tựa đề phẫn nộ đại loại "Chúng tôi là ông bà chứ không phải là vú em!" ("We are Nannas not Nannies!" , "I'm a Grandmother, Not a Babysitter!"...). Thậm chí Robin Barker, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất về trẻ em như "Baby Love", "The Mighty Toddler"... đã viết rằng việc thường xuyên lợi dụng ông bà để chăm sóc các cháu là một sự bóc lột trá hình và trắng trợn.

Misha Đoàn (Từ Boston, Mỹ)