Giữa tháng 12/2024, với việc những trường hợp cuối cùng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt chuyển sang nhận theo phương thức TTKDTM, xã Thuận Đức chính thức chốt sổ danh sách chi trả an sinh xã hội qua thẻ ATM với tỷ lệ 100%.
Là một trong những người nằm trong danh sách này, bà Trần Thị Phước Nghiêm (SN 1947, ở thôn Thuận Phong) lý giải: “Trước đây, tôi băn khoăn khi nhận lương hưu qua tài khoản vì sợ không biết cách rút tiền.
Hơn nữa, mỗi lần đi nhận lương hưu, tôi được dịp gặp gỡ, trò chuyện với mọi người nên vẫn muốn duy trì hình thức nhận bằng tiền mặt.
Sau khi được cán bộ xã và nhân viên thu BHXH giải thích về những lợi ích của việc nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, thấy được đây là hình thức thuận tiện, nhiều ưu điểm nên tôi đã đăng ký”.
Cũng giống như bà Nghiêm, sau khi được tuyên truyền, giải thích về những lợi ích thiết thực khi nhận lương hưu qua thẻ ATM, bà Lê Thị Sửu (SN 1960, ở thôn Thuận Vinh) đã đăng ký thực hiện.
Đến nay, sau 2 tháng nhận lương qua tài khoản ngân hàng, bà Sửu đúc kết: “Chuyển từ nhận lương hưu bằng tiền mặt sang thẻ ATM là quyết định đúng đắn. Từ ngày có chiếc thẻ ATM, cứ đầu tháng là tôi đã thấy tin nhắn báo tiền về tài khoản.
Mới đầu sử dụng, chưa thuần thục các thao tác, tôi nhờ con cháu đưa đi và hướng dẫn cách rút tiền ở cây ATM. Bây giờ thành thạo rồi, tôi có thể tự rút tiền khi cần, không phải chờ đợi lâu, muốn rút lúc nào cũng được, miễn trong tài khoản có tiền”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Đức Lê Xuân Phong cho biết: Toàn xã hiện có 6 thôn, với 5.025 khẩu, trong đó có 643 người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
Xác định công tác thực hiện phương thức TTKDTM đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, là chính sách mang lại nhiều tiện lợi và an toàn, UBND xã đã phối hợp với BHXH tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, xã chỉ đạo các thôn lập danh sách đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp, trong đó lọc ra những người vẫn nhận bằng tiền mặt để vận động chuyển đổi phương thức nhận tiền.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc TTKDTM thông qua nhiều hình thức, như: Thông qua các hội nghị, qua hệ thống truyền thanh của xã với tần suất mỗi tuần 4 lượt; nếu người dân chưa thấu suốt về việc việc chi trả an sinh xã hội KDTM, xã cử cán bộ, nhân viên thu, tổ công nghệ số, chuyển đổi số về từng hộ dân để tuyên truyền, vận động...
Xã cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn triển khai phủ sóng mã QR code tại các điểm kinh doanh, chợ, cơ sở khám, chữa bệnh… nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc chuyển đổi sang TTKDTM.
Theo Đ.VÂN (Báo Quảng Bình)