21h30, chúng tôi ngồi đợi thật lâu tại điểm vá sửa xe trước nhà số 287 Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM) nhưng người chủ vẫn chưa xuất hiện. Trước mắt chúng tôi, tại địa chỉ này mọi người đang cùng nhau dọn dẹp để đóng cửa sau một ngày kinh doanh mệt nhọc ...

{keywords}
Anh Hiếu làm nhiệm vụ bảo vệ từ 9h30 đến 21h30.

Làm việc không có giờ nghỉ

Phải đến 30 phút sau, một người đàn ông trong nhóm người dọn dẹp đó mới bày biện dụng cụ. Vài chiếc vỏ xe được treo lên trụ điện. Hai chiếc mâm nhỏ, trong đó có dụng cụ vá sửa xe và chiếc bơm tay để ngay trên lề đường. Đặc biệt, một tấm bảng với dòng chữ nguệch ngoạc được treo lên ở vị trí dễ thấy nhất: 'Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Đừng ngại, kêu vá liền', kèm theo số điện thoại.

Người đàn ông ấy là Nguyễn Văn Hiếu, 40 tuổi. Hiếu quê ở Gò Công Đông (Tiền Giang) đã có vợ và 2 con. Ở quê, Hiếu làm đủ nghề. Ai thuê gì làm nấy nhưng cũng chẳng đủ. Vợ Hiếu cũng thế, suốt ngày quần quật với miếng cơm manh áo. 

Hiếu quyết định lên Sài Gòn tìm việc làm và đã được một công ty bảo vệ thu nhận bố trí cho công việc tại đây. Mỗi ngày Hiếu làm bảo vệ suốt 2 ca từ 9h30 đến 21h30 với thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng Hiếu gửi về 5 triệu phụ vợ nuôi con. Số tiền còn lại, Hiếu chi cho sinh hoạt cá nhân.

Mấy tháng gần đây, trong lúc làm việc, Hiếu nhìn ra đường. Cả đoạn đường Hoàng Diệu, từ đường Khánh Hội đến chân Cầu Ông Lãnh không có một điểm vá xe nào. Hiếu từng chứng kiến nhiều người phải khổ sở dắt xe một đoạn khá xa vừa mệt vừa dễ hỏng ruột xe khiến anh thấy xót xa. Ý nghĩ thực hiện một điểm vá sửa xe trên đoạn đường này lóe lên trong anh.

Hiếu kể lại, trước đây Hiếu đã từng làm nghề này chung với anh rể ở quê nên giờ có làm cũng không lạ lẫm gì. Hơn nữa, những người gặp nạn đa số là người nghèo, phương tiện đi lại cũ kỹ dễ hỏng mà khi đã hỏng chưa chắc đã có tiền để sửa.

Từ những ý nghĩ đó, Hiếu quyết định mở điểm vá sửa xe này. Với Hiếu, chuyện tiền bạc rất cần nhưng không phải vì thế mà kiếm tiền bằng mọi cách. Xuất thân từ lao động nghèo, Hiếu hiểu được nỗi khổ của người nghèo nên Hiếu quyết định treo tấm bảng như đã nói ở trên.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Hiếu, 40 tuổi.

Từ ngày có điểm vá sửa xe, công việc của Hiếu trở nên nặng nề hơn. Mỗi ngày - sau thời gian làm bảo vệ - Hiếu vá sửa xe từ 22h cho đến 1h sáng mới trải tấm bạt ngay đó để ngủ. Bất cứ ai có nhu cầu vá sửa xe chỉ cần gọi là Hiếu dậy phục vụ ngay. Có tiền thì trả không tiền cũng được. Một lời cám ơn, một nụ cười của khách cũng làm ấm lòng Hiếu.

Thấm thoắt, điểm vá sửa xe của Hiếu hoạt động được hơn 2 tháng. Cả một đêm như thế Hiếu chỉ kiếm được từ 20.000 đến cao nhất là 100.000 đồng. Hiếu dùng số tiền này để ăn sáng, tái đầu tư cho công việc.

Một ngày làm việc của Hiếu như thế, Hiếu nói, nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống nhiều người còn bất hạnh hơn mình. Có khổ một chút, có thiệt thòi một chút nhưng giúp được những trường hợp gặp nạn trên đường như thế, Hiếu vui lắm.

Mong được giúp đời

{keywords}
Dọn hàng.
{keywords}
Có tiền cũng vá không tiền cũng vá.

Có một lần - Hiếu kể lại - đã 3h sáng, Hiếu đang ngủ thì nghe có tiếng gọi: 'Anh ơi, vá xe dùm tôi'. 'Tôi choàng tỉnh nhìn ra. Trước mắt tôi, một người đàn ông ăn mặc lam lũ đi xe máy chở hàng nặng nề và cồng kềnh vẫn còn ngồi trên xe. Tôi chạy đến bên người ấy, đỡ giúp để cùng dựng xe lên. Anh bị bể bánh cách đây xa không? Tôi hỏi. Anh ấy cho biết không xa lắm nhưng hàng trên xe nặng quá nên phải rất khó khăn mới tìm được chỗ vá xe.

Tôi cạy bánh lấy ruột xe ra. Vòi bơm đã gãy do khi hết hơi, anh ấy vẫn chạy nên ruột bị cuốn vào trong làm gãy vòi. Tôi nói, phải thay ruột không vá được. Anh ấy cuống cuồng năn nỉ tôi, anh cố gắng vá dùm. Tôi chỉ còn có hơn 10 ngàn trong túi lấy gì mà thay ruột.

Tôi vẫn lẳng lặng làm bất chấp lời yêu cầu của anh. Một chiếc ruột mới được thay vào, bơm lên thật cứng. Tôi nói với anh ấy, có bao nhiêu anh đưa bấy nhiêu. Tôi không đòi hỏi. Tôi không thể để anh lỡ công việc được.

Anh ấy móc tất cả túi như muốn chứng minh lời nói của mình là thật. Tôi cầm 10.000đ của anh ấy rồi cùng anh đẩy xe xuống. Anh lao vào màn đêm ...'

'Anh biết không', Hiếu nói với tôi - 'trong nghề vá xe tôi biết, khách sợ nhất là thay ruột. Nhiều thợ dọc đường hay có những kiểu làm ăn gian dối còn vá được vẫn đề nghị khách thay. Thay ruột vừa đỡ tốn công vừa lời nhiều. Thay mỗi chiếc ruột có thể hơn 100.000 trong khi vốn mua chỉ vài chục.

Tôi thì không như vậy. Vá được là vá không vá được thì thay. Khách có tiền thì trả không thì có bao nhiêu đưa bấy nhiêu. Tôi không quan tâm lắm' Hiếu nói.

{keywords}
Vá xe trong đêm.

Hiếu kể tiếp, 'cách đây vài hôm, lúc 0h có một thanh niên ăn mặc bảnh bao đẩy chiếc xe đắt tiền ghé vào, bảo tôi thay dùm chiếc ruột nhưng không có đủ tiền. Tôi vẫn làm mặc dù trong giao tiếp tôi có cảm giác anh ta không thật.

Tôi treo tấm bảng 'có tiền cũng vá không tiền cũng vá' thì phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Tôi chấp nhận thay ruột và chỉ nhận một số tiền ít ỏi rồi thôi.

Tuy nhiên, hầu hết những người được tôi vá và thay ruột không đủ tiền trả sau đó đều quay lại. Người nghèo nhưng tâm của họ không nghèo. Tôi rất quí và chỉ lấy tiền công vừa phải. Còn ngược lại những ai có ý không tốt thì cũng chẳng sao'.

Hiếu cho biết: 'Nửa tháng trước, có một chú mang đến tặng tôi 40 chiếc ruột xe mới. Chú nói, 'Tao cho mày để mày giúp người. Ai có tiền thì trả mày đem về nuôi con. Ai không có tiền thì cho họ luôn nhé'.

'Vâng thưa chú, lâu nay con vẫn thế mà. Có số ruột này con tin sẽ giúp được nhiều người cơ nhỡ', tôi nói với chú ấy như thế.

'Niềm ao ước của tôi trong lúc này là mong sao có điều kiện thuận lợi tôi sẽ làm nhiều việc từ thiện hơn. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, giúp gì được cho đời thì cứ giúp. Đó cũng là một điều hay phải không anh?', Hiếu cười, một nụ cười hiền hậu.  

Nữ nhà văn viết chỉ bằng một ngón tay: 'Tin vào điều tử tế'

Nữ nhà văn viết chỉ bằng một ngón tay: 'Tin vào điều tử tế'

Nữ nhà văn Trần Trà My vừa ra mắt cuốn sách "Tin vào điều tử tế" tại TP.HCM vào ngày 28/10.

Trần Chánh Nghĩa