Là Trưởng ban Ung thư Lực lượng vũ trang, từng công bố nhiều báo cáo khoa học về điều trị ung thư, Thiếu tướng GS.TS Bác sỹ Cao cấp Lê Trung Hải đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực cho những người bệnh. Theo ông, “không nên để đến khi có bệnh mới tìm cách chữa”.

Những bước tiến điều trị ung thư ở Việt Nam

- Thưa bác sĩ, phương pháp điều trị ung thư hiện nay đã có những bước tiến nào mới?

Phương pháp điều trị ung thư hiện nay có rất nhiều tiến bộ mới. Vừa rồi, chúng tôi có tổ chức hội thảo về ứng dụng miễn dịch trị liệu, ví dụ dùng tế bào sát thủ tự nhiên (Natural Killer Cell - NKC), hay dùng máy nhiệt điều trị ung thư, tức là tăng nhiệt để diệt tế bào.

Ngoài ra chúng tôi còn áp dụng nhiều biện pháp khác nữa. Tại bệnh viện tôi đang làm việc (GS Hải đang là Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chuyên môn tại BV Đa khoa Hà Nội - PV), hiện nay đã thực hiện được hầu hết các phương pháp điều trị triệt để và hiện đại như phẫu thuật, hóa trị,… Chúng tôi áp dụng điều trị đa mô thức nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh.

Bên cạnh đó, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư và chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn cuối cũng được bệnh viện chú trọng.

- Phẫu thuật là một trong những phương pháp phổ biến nhất để điều trị ung thư. Ông đánh giá thế nào về việc tiến hành khâu quan trọng này của bệnh viện Đa khoa Hà Nội hiện nay?

Có thể nói, phẫu thuật điều trị ung thư hiện đang là thế mạnh của bệnh viện chúng tôi. Ê kíp thực hiện là những bác sĩ phẫu thuật, gây mê có kinh nghiệm đến từ các BV tuyến trung ương như BV Bạch Mai, BVTƯQĐ 108, BVQY 103, BV K, BV Phụ sản TƯ … Phẫu thuật triệt căn đối với bệnh lý ung thư sẽ đem lại hiệu quả cao hơn các biện pháp điều trị khác.

Có rất nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng hay ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư tuyến giáp … đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.

{keywords}
GS. TS. Lê Trung Hải - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội

Nên tầm soát ung thư sớm

- Với tình trạng bệnh lý ung thư đang có chiều hướng gia tăng thì rất nhiều người quan tâm đến việc phát hiện sớm ung thư. Bác sĩ có thể chia sẻ về các phương pháp tầm soát ung thư mà bệnh viện đang áp dụng được không?

Chúng tôi luôn cho rằng không nên để đến khi bị ung thư mới tìm cách chữa mà cần phát hiện sớm mầm bệnh để có các biện pháp xử trí kịp thời. BV Đa khoa Hà Nội hiện nay đang áp dụng các phương pháp tầm soát ung thư thông qua các xét nghiệm như sinh học phân tử, tumor marker (chỉ điểm khối u), nội soi hoặc chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, XQ, CT,…) ...

Các biện pháp tầm soát ung thư và điều trị bằng NKC của bệnh viện đang triển khai áp dụng hiện nay là công nghệ được chuyển giao từ những nước có nền y học tiên tiến như Nhật Bản và Thái Lan.

- Vậy còn những biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, đây dường như là khâu mà gia đình và các bệnh nhân thường bỏ qua?

Đúng vậy. Nhưng trên thực tế, đây là khâu rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn cuối của bệnh. Chúng tôi sử dụng các biện pháp nhằm giảm đau, ổn định tâm lý, tăng cường dinh dưỡng đồng thời giúp người bệnh điều trị những vết loét, thương tổn trên cơ thể do bệnh lý ung thư gây ra. Nhờ đó mà có thể nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Ở gia đình người bệnh thì việc chăm sóc khá khó khăn, còn ở viện thì các y bác sĩ có chuyên môn nên làm việc đó sẽ đơn giản và tốt hơn nhiều.

- Như ông chia sẻ lúc đầu thì các kíp khám, chữa bệnh của BV Đa khoa Hà Nội sẽ có sự tham gia của rất nhiều các y, bác sĩ giỏi của các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, đã từng xảy ra trường hợp nhiều nơi treo biển quảng cáo về các bác sĩ rất nổi tiếng nhưng đến khi thăm khám thực tế thì lại chỉ là các y, bác sĩ hạng thường. BV Đa khoa Hà Nội có cam kết gì với bệnh nhân để họ chắc chắn được chữa trị bởi những tên tuổi mà họ được giới thiệu từ trước?

Mọi thứ từ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng,… vừa được sắp xếp lại cách đây chưa lâu, nhưng đã có sự thay đổi rất rõ rệt so với giai đoạn trước. Đặc biệt đội ngũ nhân lực chất lượng cao đang làm việc tại đây là rất tốt, ví dụ có GS.TS. Lê Đức Hinh - Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, hay nhiều bác sĩ trưởng phó khoa từ các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị, Phụ Sản TƯ, BV K sẽ trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh. Bản thân tôi cũng đang trực tiếp thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân ung thư tại đây. Hằng ngày tôi vẫn đi điểm bệnh và chủ trì hội chẩn chuyên môn.

{keywords}
GS. TS. Lê Trung Hải cùng đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội

- Xin cảm ơn ông!

Doãn Phong (thực hiện)