Có ít nhất hai điểm thú vị ở bộ phim Tết ra mắt báo chí sớm nhất vào tối ngày 5/1 tại TP.HCM – “Lời nguyền huyết ngải” của hãng phim Thiên Ngân. Đây là bộ phim thương mại đầu tiên của đạo diễn chuyên dòng phim nghệ thuật Bùi Thạc Chuyên.
Đây cũng là lần đầu tiên một hãng phim tư nhân ở TP.HCM mạo hiểm rời bỏ không gian điện ảnh nói tiếng miền Nam – nơi chiếm quá nửa doanh thu chiếu bóng toàn quốc, để làm một phim mang đậm hơi thở cuộc sống và con người miền Bắc.
Phan Anh, Đỗ Văn Hoàng và Trịnh Minh Huy vào vai ba cậu sinh viên tò mò về loài cây huyết ngải. |
Bắt đầu bằng hình ảnh cái chết đầy ám ảnh của người đàn ông trên đường chạy trốn…ma, “Lời nguyền huyết ngải” đẩy ngay người xem vào cuộc sống của ba cậu sinh viên trường Y trên giảng đường và trong ký túc xá. Họ là ai thế nhỉ? Có vẻ đạo diễn kiêm biên kịch Bùi Thạc Chuyên không bận tâm lắm chuyện dành ít thời gian tạo mối liên hệ gần gũi giữa nhân vật và người xem bằng cách cung cấp thêm thông tin hoàn cảnh, sở thích hay cá tính của nhân vật.
Khi vừa kịp nhớ tên của Bình (Phan Anh), Tùy (Đỗ Văn Hoàng) và Khải (Trịnh Minh Huy), khán giả đã thực sự dấn sâu vào hành trình khám phá loài cây bí mật được gọi tên “huyết ngải” của họ. Một nhánh cây với mảnh giấy cũ có vài ghi chú được cả ba tình cờ phát hiện trên giá sách trong căn hộ của ông thầy Hoàn Sinh (Thành Lộc) sau đám cháy nho nhỏ.
Dưới tác động của trí tò mò và áp lực môn học y dược cổ truyền, sự kiện dẫn họ tới một ông thầy lập dị có thể đọc được chữ của tộc người Sắng La sống trên vùng núi cao, nơi có loài cây huyết ngải. Sau đó là ngôi nhà bí hiểm, nơi người ta tụ tập để xin một cô bé được gọi tên Thánh cô Chiêu Dương (Nguyễn Thùy Dương), chữa lành bệnh tật cho họ. Ba chàng trai đột nhập vào vườn sau ngôi nhà, phát hiện ra cây huyết ngải và bẻ một nhánh sống mang về tìm hiểu.
Sau khi cắt trộm một nhánh cây huyết ngải, ba chàng trai bắt đầu rơi vào những cơn ảo giác bị rình rập bởi một bóng ma |
Từng người trong số ba chàng trai phải đối diện với những dấu hiệu về cái chết của mình. Mà người yếu tim nhất là Khải bắt đầu rơi vào những cơn ảo giác bị rình rập bởi một bóng ma. Không gì nhiều để mong chờ ở phần này khi khán giả dễ dàng biết trước ai sẽ là người chết đầu tiên và ai là người sống sót cuối cùng.
Bước vào đoạn cuối, khi nhịp kể gấp gáp hơn, bộ phim thực sự tạo được ấn tượng kinh dị. Đặc biệt là trường đoạn mang dáng dấp của một cuộc hiến tế thần bí. Trong không gian chật hẹp, đạo diễn đã khéo léo sắp đặt được nhiều khuôn hình gây ấn tượng thị giác, cũng như có sự hỗ trợ rất tốt của âm thanh do một nhóm chuyên gia người Pháp dàn dựng.
Tạo hình đầy ngây thơ và ma quái của nhân vật do Thùy Dương diễn xuất cho thấy hóa trang là một điểm mạnh của bộ phim. |
Những khán giả tinh ý và đã theo dõi “Sống trong sợ hãi” hay “Chơi vơi” hẳn sẽ thấy hai ngôn ngữ điện ảnh đã thay nhau chi phối bộ phim mới của Bùi Thạc Chuyên. Nếu dấu ấn phim nghệ thuật độc lập hiển hiện trong những khung hình tĩnh chờ nhân vật bước vào và…bước ra. Thì cách dựng phim kinh dị độc chiếm những trường đoạn “có ma và hình như có ma”.
Theo đó, khung hình thường bắt đầu từ một góc khuất nào đó bên lề trước khi bước vào bối cảnh chính. Điểm đáng tiếc là cách làm này thuần túy mang dấu ấn kỹ thuật hình ảnh tạo cảm giác, hơn là đi kèm với nội dung về một mối đe dọa vô hình, gắn liền với một kẻ thủ ác giấu mặt. Bộ phim giăng mắc một bí mật siêu nhiên và nhiều tầng nấc, nhưng lại thiếu mất một âm mưu đê tiện của con người thật, vốn có thể tạo ra sự hồi hộp.
Nhân vật ông giáo Hoàn Sinh của NSƯT Thành Lộc dù đóng vai trò then chốt trong câu chuyện nhưng chưa đặc sắc như mong đợi |
Đây chính là nguyên nhân khiến vai diễn ông giáo Hoàn Sinh của NSƯT Thành Lộc kém phần đặc sắc, dù bản thân vai này đã là một khác biệt trong sự nghiệp diễn xuất của ông. Thành Lộc cho thấy ông có thể nói được giọng Bắc và hóa thân thành một ông giáo sư già, khắc khổ, lụ khụ và yêu nghề rất giỏi. Nhưng tất cả chỉ có thế. Kịch bản chưa cho phép Thành Lộc thể hiện được tính đa diện của nhân vật giáo sư, khi trong nội tâm, ông ta còn là người tham vọng sở hữu phương thuốc trường sinh, một người cha và một người chồng trong một gia đình bất hạnh.
Nhưng trên tất cả, người ta đi mãi mà thành đường, ít nhất thì Bùi Thạc Chuyên cũng đã mở lối cho thể loại kinh dị - siêu nhiên cho điện ảnh Việt theo đúng nghĩa của nó, chứ không phải là những bộ phim chủ yếu “nhát ma” khán giả như nhiều người mặc tưởng. “Lời nguyền huyết ngải” sẽ ra rạp sớm nhất mùa phim Tết, ngày 12/1, cùng với bộ phim “Vũ điệu đường cong”.
Minh Chánh