Mỗi khi nhắc đến khu “rừng Cấm”, hầu hết người dân bản Tả Gia Khâu đều phải "rùng mình", không chỉ bởi khu rừng rậm rạp, âm u mà còn vì những đồn thổi về một lời nguyền rằng “thần rừng” sẽ trừng phạt bất cứ ai dám cả gan "đánh thức" giấc ngủ của ngài. Để tìm hiểu thực hư của lời nguyền này, chúng tôi quyết định vượt hàng trăm cây số đến với khu rừng thần bí…


Những câu chuyện li kỳ

“Rừng Cấm” nằm cách trung tâm thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai khoảng 15km, sau gần 2 tiếng đồng hồ gian nan băng rừng, lội suối, trước mắt chúng tôi hiện ra khu rừng nguyên sinh độc đáo nằm giữa thung lũng đá hình vòng cung, còn giữ được vẻ hoang sơ huyền bí. Đang choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang dã của núi rừng hùng vĩ, chúng tôi gặp được anh bạn Lùng Dung Tác, dân tộc Nùng, người tình nguyện cùng chúng tôi đi tìm sự thật đằng sau bức rèm huyền bí của khu “rừng Cấm”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nôn nóng, anh Tác cười nhắc nhở: "Chuyện li kỳ lắm, anh nào chưa chuẩn bị tâm lý thì đừng nghe kẻo tối lại ám ảnh giấc ngủ". Lời nói lấp lửng của anh Tác càng khuấy thêm sức nóng thần bí về truyền thuyết “rừng Cấm”.

Câu chuyện về anh chàng Lùng Seo S của bản Tả Gia Khâu đi rừng đốn củi xảy ra cách đây đã 10 mùa rẫy (theo tính toán của người dân tộc). Seo S là một thanh niên khỏe mạnh, ban đầu anh chỉ chặt những cành củi khô ở bìa rừng về bán, thế nhưng cả ngày chặt đốn mà cũng chỉ kiếm được hai bó củi bé như thân người. Thấy Seo S vất vả, có người mách nước, vào sâu trong rừng có bạt ngàn củi khô. Nghe thuận tai, Seo S đánh liều vác dao đi sâu vào rừng, đúng như lời đồn, Seo S không phải nhọc công mà đã kiếm được hai gánh củi đầy. Nhưng lạ kì, ngay buổi tối hôm đó, về nhà Seo S cứ lớ ngớ, điên điên dại dại, miệng luôn lẩm bẩm những ngôn ngữ khó hiểu.

Thấy Seo S có biểu hiện bất thường, người dân trong bản rộ lên tin đồn, vì Seo S cả gan xâm phạm “rừng Cấm” nên bị "thần rừng" bắt tội. Nghe tin ấy gia đình Seo S hoảng sợ, liền mời già làng về cúng, rồi xin phép vào “rừng Cấm”, lập lễ tạ lỗi với "thần rừng". Vài hôm sau, bệnh của Seo S có đỡ hơn, song vẫn chưa trở lại bình thường như xưa. Khi dư luận chưa lắng xuống, một câu chuyện khác lại dậy lên. Chuyện là, vào một ngày nọ có một thanh niên tên P.Long đi qua khu “rừng Cấm”, không biết người này vì bực tức chuyện gì mà vung tay chân đấm đá vào gốc cây cổ thụ rồi chửi bậy, khi về nhà, người này cứ ngơ ngẩn, thân thể trần truồng cả ngày bỏ đi lang thang. Khủng khiếp hơn, P.Long không ăn chín, cứ để nguyên đồ còn tươi sống rồi nhai nuốt ngấu nghiến như thú rừng lâu ngày bị bỏ đói.

Tiếp tục câu chuyện mang sắc màu huyền bí, truyền thuyết xa xưa kể rằng, ngày ấy có chàng thanh niên dân tộc tên Sùng Séng Xiểng của bản Cóc Cán, nổi tiếng khỏe mạnh, sức có thể vật ngã được một con trâu và là tay săn thú rừng hoang lão luyện. Thường ngày Xiểng đi rừng không sao, nhưng có lần Xiểng vào “rừng Cấm” bắn chim, săn nai mang về nhà ăn. Người dân bản nhiều lần cảnh báo Xiểng không nên xâm phạm "thần rừng", bởi họ có quan niệm, thú rừng là con của thần nuôi dưỡng.

Nhưng cậy mình có sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng nên Xiểng không tin và không sợ. Sau đó, một thời gian cả bản không còn nhìn thấy anh đâu nữa, nhiều người đồn, có lẽ Xiểng gặp gái đẹp dưới xuôi nên bỏ bản đi theo, cũng có người cho rằng anh chàng tìm được mối làm ăn tốt nên phải đi xa.

Thế rồi, một hôm có người đi rừng phát hiện xác Xiểng, bên cạnh đó là chiếc nỏ- vật bất li thân của Xiểng. Người ta còn phát hiện trái tim trong lồng ngực của Xiểng đã bị móc mất, xung quanh chằng chịt vết chân của hổ. Dân bản đồn rằng, “thần rừng” đã hóa thân thành "ông Hổ" trừng phạt kẻ đã cả gan xâm phạm tới “rừng Cấm”. Từ đấy, hễ nghe nhắc đến “rừng Cấm” là người ta cứ run rẩy, sợ hãi. Cũng từ đấy, người dân trong bản không dám bén mảng đến “rừng Cấm”. Có lẽ nhờ sự linh thiêng và những truyền thuyết bí ẩn mà “rừng Cấm” còn giữ được nét hoang sơ với nhiều loại gỗ quý hiếm.

Ông lão lưu giữ những câu chuyện huyền bí

Như để minh chứng cho những câu chuyện trên là có thật, anh Lùng Dung Tác đã chỉ đường cho chúng tôi đến nhà ông Lùng Tà Chéng, một già làng trong bản còn lưu giữ truyền thuyết về “rừng Cấm” ở xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. Ông Chéng từng là Bí thư Đảng ủy xã Dìn Chin, ông có thân hình gầy gò, nhưng đôi chân lại nhanh nhẹn, đặc biệt đôi mắt ông sáng và rất tinh tường.

Ông Chéng uống rượu ngô rất giỏi, có thể uống hàng bát mà không biết say, cái thứ rượu đặc biệt nổi tiếng của người vùng cao này. Bằng giọng nói tiếng Kinh rất sõi ông Chéng kể tiếp những câu chuyện thần bí về “rừng Cấm” mà Lùng Dung Tác cũng chưa từng biết đến. Ở vùng đồi núi hẻo lánh này, người ta sống với nhau bằng những câu chuyện huyền thoại kì bí được kể bên bếp lửa của mỗi nhà. Để được tận mắt chiêm ngưỡng và cũng muốn "trải nghiệm" về truyền thuyết “thần rừng”, chúng tôi đề nghị ông Lùng Tà Chéng làm lễ xin phép “thần rừng” cho vào thăm khu “rừng Cấm”. Sau một lát cân nhắc, ông Chéng đồng ý và giục chúng tôi đi ngủ lấy sức, để mai đi sớm.

6h sáng, ngoài trời sương mù dày đặc, trong cái lạnh căm căm, giấc ngủ còn đang ngái ông Chéng đã đánh thức chúng tôi dậy để lên đường vào rừng. Ông sợ rằng khi trời tan sương, “thần rừng” sẽ không cho những người lạ bước chân vào rừng. Thật ngại khi làm phiền cả nhà ông Lùng Tà Chéng phải thức dậy giờ này, nhưng cái bụng người dân tộc thật tốt, họ coi việc của mình như công việc của họ, ông Chéng cười hả hê "yên tâm đi, các chú đến nhà ai cũng sẽ như nhà tôi, giúp được là chúng tôi vui lắm". Sau bữa cơm sáng đơn giản, vài chén rượu ngô ấm bụng, chúng tôi lên đường. Con đường vào “rừng Cấm” cũng lắm gian nan, càng vào gần khu rừng, đường mỗi lúc một dốc ngược, quanh co, sương muối giăng trắng trời.

Cách “rừng Cấm” khoảng 5km theo đường chim bay, chúng tôi không thể đi xe máy vào được, con đường duy nhất để vào được rừng là phải đi bộ, sau gần một giờ đi bộ chúng tôi có mặt ở bìa “rừng Cấm”. Ông Chéng bảo chúng tôi đợi ở ngoài để ông vào xin "thần rừng". Miệng lẩm bẩm những tiếng lạ một hồi rồi ông quay sang bảo chúng tôi "thần rừng” đã đồng ý, nhưng không được vào đó quá trưa, nếu không sẽ bị thần trừng phạt", chúng tôi vội vàng đồng ý. Đợi chờ rồi chúng tôi cũng được mục sở thị khu rừng thiêng nguyên sinh, đang sửng sốt vì vẻ đẹp hoang sơ đầy thơ mộng của núi rừng, thì chúng tôi giật mình khi nghe thấy sau lưng có những tiếng bước chân dồn dập đuổi theo…

(Theo PL&XH)

Còn tiếp