Theo báo cáo mới công bố, trong quý II/2023, doanh thu thuần hợp nhất của GELEX đạt 7.996 tỷ đồng, tăng 24,7% so với quý I và tương đương 88% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế quý II đạt 870 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với quý I và tăng 49% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn GELEX đạt 14.406 tỷ đồng, tương đương 38,5% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 1.014 tỷ đồng, hoàn thành gần 80% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận gộp quý II đạt 1.687 tỷ đồng, tăng 33% so với quý I. Biên lợi nhuận gộp quý II là 21%, tăng nhẹ so với quý I nhờ đóng góp của mảng Khu công nghiệp.
Báo cáo của GEX cho thấy, động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2023 của GELEX đến từ mảng Bất động sản và Khu công nghiệp khi ghi nhận 1.771 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43,6% so với quý I và tương đương mức cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp mảng này đạt 54%, cao hơn đáng kể so với 38% của quý I và mức bình quân 36% cả năm 2022.
Trong quý II, GEX đã ghi nhận doanh thu từ các dự án: KCN Yên Phong II, KCN Yên Mỹ, KCN Đông Mai … với tổng diện tích đất bàn giao là 77 ha, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 117 ha. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án Khu công nghiệp: Thuận Thành, Yên Phong 2C, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên.
Trong một diễn biến có liên quan, theo Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố giữa tháng 6/2023, với việc nắm giữ các mảng kinh doanh với vị thế hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng, thiết bị điện, bất động sản, VCBS cho rằng tình hình kinh doanh khó khăn trong ngắn hạn của GELEX sẽ dần được cải thiện và còn nhiều tiềm năng trong dài hạn.
Cụ thể, GEX sở hữu tập công ty con, công ty liên kết có vị thế lớn tại các ngành còn nhiều tiềm năng trong dài hạn. Trong đó VGC sở hữu 11 KCN lớn, GEE với vị thế hàng đầu trong mảng thiết bị điện, mảng năng lượng, bất động sản có nhiều còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Đặc biệt, với việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII sẽ tiếp tục định hướng đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và dần loại bỏ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường khác trong tương lai. Cho nên việc tập trung mở rộng công suất của các dự án năng lượng tái tạo là động lực phát triển lớn cho mảng thiết bị điện (dây cáp điện, máy biến áp, dây đồng…) do phải đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng lưới điện và các sản phẩm liên quan.
Từ đó, dù trong ngắn hạn tiêu thụ thiết bị điện của GEX có nhiều khó khăn nhưng với vị thế dẫn đầu trong mảng kinh doanh này sẽ giúp GEX hưởng lợi lớn khi nhu cầu quay trở lại mạnh mẽ, đặc biệt đối với xu hướng chuyển đổi của năng lượng tái tạo.
VCBS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của mảng thiết bị điện của GEX sẽ tăng trưởng trở lại vào do sự hồi phục của nhu cầu thiết bị điện khi thị trường bất động sản dần ấm trở lại và động lực đến từ chuyển đổi năng lượng tái tạo giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng thiết bị điện lớn như đã phân tích.
Ngoài ra, áp lực về khả năng thanh khoản của GEX sẽ được giảm do áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý II/2023 và nửa cuối năm sẽ không còn nhiều do GEX gần như đã tất toán tất cả giá trị cần đáo hạn trong năm. GEX cũng sẽ thu về lượng tiền lớn khi thoái vốn thành công một phần mảng năng lượng. Điều này giúp cho GEX tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án mở rộng tốt hơn trong thời gian tới.