- Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục (IRED) nhận định như vậy trước những án giết người dã man gần đây của một số kẻ được gắn mác trí thức. Vì sao những người đó lại độc ác như thế hay vô cảm đến thế? Là vì họ vô minh và vô hồn và điều này có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục.

Các tin liên quan

Tội ác của những kẻ ngồi trên giảng đường, vì đâu?

Người trẻ phạm tội dưới góc nhìn chuyên gia

Một môn Đạo đức chưa đủ

- Thưa ông, bạo lực học đường đang rất phổ biến, chẳng hạn, chúng ta thấy rất nhiều video clip học sinh đánh nhau ở nhiều nơi lan tràn trên mạng; nhiều người trẻ đang ngồi trên giảng đường cũng phạm tội ác tày trời, ông có thể lý giải vấn đề này không?

Thực chất chuyện học sinh đánh nhau thì không có gì lạ, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây ở đâu cũng có. Nhưng điều lạ ở đây là việc đánh nhau rất dã man, máu me đầm đìa, xé quần xé áo…, và điều lạ hơn nữa ở đây chính là sự vô cảm của nhiều người. Có rất nhiều bạn bè vây quanh không những không can ngăn mà còn cổ vũ nhiệt tình cho những cảnh dã man đó, rồi còn thích thú quay clip để đưa lên mạng nữa, và nhiều người lớn đi ngang qua nhìn thấy cũng mặc kệ, không quan tâm…

Và nhiều vụ án gần đây khiến chúng ta phải rùng mình với những tội ác tày trời vì những lý do rất vớ vẩn của những kẻ sát thủ máu lạnh tuổi học trò…

Vì sao những người đó lại độc ác như thế hay vô cảm đến thế! Vì họ vô minh và vô hồn. Vì sao họ lại vô minh và vô hồn? Vì nhà trường, nhà nước, gia đình, xã hội và chính họ không giúp họ có một cái đầu khai minh và một trái tim có hồn mà lẽ là một con người bình thường cần phải có để có thể làm người.

Cái đầu khai minh là cái đầu có khả năng minh định được: ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai; minh định được: đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà, tốt-xấu, hay-dở, đáng khinh-đáng trọng, có hại-có ích,… trong mọi hành vi của mình.

{keywords}
Ông Giản Tư Trung: "Vì sao những người đó lại độc ác như thế hay vô cảm đến thế? Là vì họ vô minh và vô hồn và điều này có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục"

Trái tim có hồn là trái tim biết rung lên trước cái đẹp (nhất là cái đẹp vô hình, cái đẹp văn hóa), biết thổn thức trước nỗi đau của người khác, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác; là trái tim có tình thương yêu và lòng trắc ẩn, có khát khao cháy bỏng để làm được những điều có ích…

Ai cũng nói thầy cô là “kỹ sư tâm hồn”. Vậy công việc của “kỹ sư tâm hồn” (chuyên gia về “hồn”) là gì? Là “tạo hồn” và “sửa hồn” cho con trẻ. Và người thầy không chỉ là “kỹ sư tâm hồn”, mà còn là “kỹ sư trí tuệ” nữa.

Công việc của “kỹ sư trí tuệ” là giúp cho người học tự khai minh, khai sáng chính mình. Muốn giúp con trẻ có trái tim có hồn, trước hết thầy cô và cha mẹ phải có hồn, và muốn giúp con trẻ có cái đầu khai minh, trước hết thầy cô và cha mẹ phải được khai minh.

Nếu có thể lý giải một cách ngắn gọn về tội ác và bạo lực học đường thì một phần nhỏ là do bệnh lý, biến thái, còn phần đông là do sự vô minh và vô hồn, và sự vô minh và vô hồn này có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục. Còn sự xuống cấp nghiêm trọng của giáo dục lại bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa khác.

- Thưa ông, việc những kẻ ngồi trên giảng đường phạm tội có phải do vấn đề dạy kĩ năng sống và môn đạo đức chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức?

Như chúng ta đã nói ở trên, vô cảm và vô hồn mới là căn nguyên của tội ác, và để giải quyết vấn nạn tội ác học đường hiện nay thì không chỉ dựa vào mấy tiết học của môn đạo đức hay mấy buổi giảng về kỹ năng sống được, vì đây cũng là mục tiêu mà tất cả các môn học cần phải hướng đến và là sứ mệnh của cả nền giáo dục.

Mục tiêu của giáo dục là tạo ra con người tự do, con người khai minh, con người có hồn. Vậy thì cần đặt lại vấn đề là cần phải học gì, học như thế nào, học trong bao lâu để có thể tạo ra những con người như thế. Từ đó phải thiết kế lại toàn bộ chương trình học gồm những lớp nào, cấp nào, mỗi lớp, mỗi cấp như thế cần học những môn gì, không nên học môn gì, và mỗi môn như vầy sẽ có mục tiêu, nội dung và cách thức ra sao…

Nếu không làm rõ như vầy, cứ mỗi lần xảy ra chuyện gì, đụng đến cái gì thì lại bảo là cần chú trọng dạy cái đó. Môn đạo đức hay kỹ năng sống thì cũng chỉ là một trong vô số môn học để đạt được mục tiêu giáo dục mà thôi. Muốn đạt được mục tiêu của giáo dục thì cần chú trọng nhiều môn, chứ không riêng gì môn này. Nhưng ngay cả môn đạo đức hay môn kỹ năng sống hiện nay cũng có rất nhiều vấn đề, cả về mục tiêu, nội dung lẫn phương pháp.

Còn với những môn khác, chẳng hạn như học toán thì có vẻ như người ta muốn học sinh trở thành nhà toán học, học lý thì muốn học sinh trở thành nhà lý học, học văn thì muốn học sinh trở thành nhà văn… Vì sao vậy?

Vì khi biên soạn chương trình môn học thì các nhà chuyên môn (về toán, về lý, về văn..) có vai trò quyết định, nhưng lại thiếu vắng vai trò thực sự của các nhà giáo dục học nhằm biến những môn học chuyên ngành này thành những môn học có mục đích học để làm người, chứ không phải học để làm nghề.

Như vậy, việc hình thành con người cần có một quá trình gồm bao nhiêu thời gian, bao nhiêu cấp học, bao nhiêu môn học,… một môn Đạo đức duy nhất thì không thể dạy thành một con người được. Gần đây nhiều nơi hô hào dạy kĩ năng sống cho học sinh, cái này cũng tốt, nhưng chỉ là hoa lá cành thôi, còn cái gốc là những giá trị nền tảng thì lại chưa chú trọng. Nếu chỉ lo học những kỹ năng, kỹ xảo, những thủ thuật, mẹo vặt… mà không học cái căn cơ, nền tảng để tạo nên một con người thì mọi thứ sẽ vẫn như cũ thậm chí sẽ còn tệ hơn.

Nhiều SV là sản phẩm của nền GD đầy lỗi....

- Bản thân những người gây ra tội ác này lại đều là những SV có học thức. Theo ông những chủ nhân tương lai của đất nước cần làm gì để làm chủ bản thân, để không đi đến những lối sống tha hóa, mất nhân cách, cầm thú như vậy?

Ba “cỗ máy” quan trọng nhất giúp hình thành nên con người là gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu những “cỗ máy” này mà tốt thì sẽ tạo ra vô số sản phẩm tốt, và ngược lại, nếu những “cỗ máy” này có vấn đề thì sẽ tạo ra những sản phẩm đầy lỗi, đầy khuyết tật, cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Và nhiều sinh viên hiện nay là sản phẩm của nền giáo dục đầy lỗi. Vì vậy, vấn đề hiện nay là bản thân mỗi sinh viên cần nhìn nhận cho đúng về mình, rằng mình là một sản phẩm đầy lỗi hay là một sản phẩm ngon lành.

Nếu mình là sản phẩm ngon lành và mình biết rõ điều đó thì quả là tuyệt vời. Nhưng nếu mình là một sản phẩm đầy lỗi, và mình cũng biết rõ điều này thì cũng không tệ, vì khi mình biết rõ mình là sản phẩm lỗi thì mình sẽ tìm cách sửa “lỗi” và cải tạo mình. Còn nếu mình thực sự là một sản phẩm đầy lỗi nhưng mình lại không hề nhận ra điều đó mà cứ tưởng rằng mình rất ngon lành thì đó là điều tệ hại.

Tôi cho rằng, sinh viên là người lớn (khác với học sinh, còn trẻ con), nên cho dù thế nào thì những người có chút ý thức sẽ biết “đi tìm chính mình” và sẽ “tìm ra chính mình”, và hơn nữa biết còn biết làm thế nào để “làm ra chính mình”. Và có 2 phương tiện quan trọng nhất để “tìm ra chính mình” và “làm ra chính mình”, đó là, “túi văn hóa” (đầu khai minh và tim có hồn) và “túi chuyên môn” (đầu giỏi nghề và tim yêu nghề), hay nói nói một cách văn vẻ hơn là cần trang bị cho mình 2 năng lực là “năng lực làm người” và “năng lực làm nghề”.

Khi có túi văn hóa và túi chuyên môn thì mình sẽ tạo ra nhiều giá trị, và khi tạo ra giá trị thì tự khắc “túi tiền” và “túi danh” (danh phận, danh hiệu, danh vọng…) sẽ đến. Còn nếu chỉ xăm xăm vào “túi tiền”, “túi danh” và “túi bằng” (bằng cấp, học hàm, học vị) nhưng lại không có “túi văn hóa” và “túi chuyên môn” thì tại họa sẽ ập xuống đầu mình bất cứ lúc nào, mình cũng sẽ dễ dàng gây ra tai họa hay thị phi cho người khác và cho xã hội.

- Vậy nếu có một cuộc cải cách GD toàn diện để tạo ra những con người có cái đầu khai minh và trái tim có hồn như ông nói thì theo ông cần phải làm gì và bắt đầu từ đâu?

Hiện nay cả nước đã thấy nền GD chưa tương xứng và đang chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Nếu chỉ xét việc cải cách giáo dục theo tôi có 2 vấn đề tiên quyết là cải cách về triết lý GD và cải cách về guồng máy GD.

Để cải cách về triết lý GD thì cần phải định nghĩa lại GD, đó là trả lời đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục 3 câu hỏi Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào? Làm thế nào để tạo những con người như thế? Chúng ta không thể đổi mới GD nếu không làm rõ thứ giáo dục mới đó là gì, và cần hiểu rằng, giáo dục là một công cụ để tạo ra con người tự do, con người khai minh, chứ không phải là công cụ để tạo ra con người công cụ.

Để cải cách về “guồng máy giáo dục” thì phải định nghĩa lại vai trò của 5 chủ thể then chốt trong một hệ thống giáo dục gồm nhà nước - nhà trường - nhà giáo - gia đình và người học.

Hiện tại nhà nước đang không làm nhiều việc vốn dĩ thuộc vai trò của mình, mà lại đi làm thay rất nhiều việc thuộc vai trò của 4 “nhà” còn lại (có nên làm chuyện tuyển sinh không, lo chuyện thi cử không, làm chuyện biên soạn sách không…công việc của nhà nước là giám sát hay làm thay và ai sẽ là người lo cái chuyện 50 năm nữa nền giáo dục của ta sẽ ra sao...)

Nhà trường và nhà giáo cũng tương tự, bỏ qua rất nhiều sứ mệnh cơ bản của mình và làm thay công việc của học sinh và phụ huynh (dạy là để giúp cho học sinh học, là giúp người học tự khai minh, chứ không phải là cố nhét vào đầu học sinh những thứ chỉ để thi…), còn việc vốn dĩ là của mình là giáo trình hay thi cử thì lại không được tự chủ vì nhà nước đã làm thay.

Gia đình thay vì giúp con trở thành chính nó thì lại bắt con trở thành chính mình…Vì vậy mỗi chủ thể then chốt trong guồng máy giáo dục hãy quay về đúng vai trò vốn dĩ của mình và trả lại những vai trò không phải của mình cho các chủ thể khác.

Tất nhiên, để thực hiện được 2 chuyện tiên quyết nói trên thì không chỉ dựa vào ngành giáo dục mà còn phải xuất phát từ tâm nguyện và quyết sách quốc gia của giới lãnh đạo tối cao. Nhưng nếu không giải quyết những chuyện tiên quyết này mà cứ đi vào những chuyện cụ thể như, hôm nay bàn chuyện sách giáo khoa, ngày mai bàn chuyện thi tốt nghiệp, ngày kia bàn chuyện tuyển sinh, chuyện giáo viên… thì chỉ bàn mãi mà không giải quyết được căn cơ vấn đề nào cả, hoặc càng giải quyết càng rối, càng tệ…vì chúng ta đang đi theo “quy trình ngược”.

- Cảm ơn ông!

  • Lê Huyền (thực hiện)