Sau khi mua 2 lon Coca-Cola về cho con, chị Nguyễn Thị Nga (Linh Đàm, HN) tá hoả khi phát hiện dòng chữ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu” ghi bên trên lon nước ngọt. Sản phẩm này thuộc về công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.

Trong khi đó, ngay cùng hệ thống siêu thị chị mua hàng vẫn bày bán các lon Coca-Cola nhập khẩu từ Nhật. Thành phần nguyên liệu in trên bao bì giữa 2 lon Coca Cola sản xuất ở Việt Nam và Nhật cũng khác nhau. Giá bán các lon Coca trong nước thấp hơn tương đối nhiều với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài.

“Tại sao lại có sự phân biệt, liệu sản phẩm trong nước có vấn đề gì mà không được xuất khẩu?”, chị Nga đặt câu hỏi.

{keywords}
Nhãn ghi chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu

Theo chị Nga, Coca-Cola là công ty toàn cầu nên sản phẩm cũng phải có chất lượng như nhau trên toàn thế giới. Lý do gì mà sản phẩm trong nước lại khác sản phẩm nước ngoài?

“Biết là nhập khẩu về họ mất tiền vận chuyển, tiền thuế nhưng không thể vì thế lon Coca-Cola rẻ hơn mà chất lượng không bằng Coca-Cola nhập khẩu”, chị Nga nói

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị cho thấy, nhiều sản phẩm của Coca-Cola như Coca-Cola, Fanta, Sprite đều có dòng chữ tương tự. Trong khi đó, dòng sản phẩm nước đóng chai Dasani, nước tăng lực Aquarius của công ty này không hề xuất hiện thông tin "không được xuất khẩu".

{keywords}
Lon nhập khẩu có mức giá đắt hơn nhiều lần so với sản phẩm trong nước

Trên trang web của Coca-Cola, hãng này cho hay, Coca-Cola truyền thống đang có mặt tại hơn 200 quốc gia. Một số loại khác chỉ xuất hiện ở vài quốc gia nhất định.

“Chúng tôi đáp ứng theo thị hiếu địa phương. Một số hương vị chỉ được ưa chuộng tại một quốc gia nào đó, thường thì ở các quốc gia khác nhau sẽ có các thành phần khác nhau”, thông tin từ website.

Theo lý giải của các nhà sản xuất, nhiều chất bảo quản các nước hạn chế dùng, hoặc dùng có chỉ định. Còn ở Việt Nam lại cho phép sử dụng bình thường nên có sự phân biệt sản phẩm theo dòng thị trường như vậy.

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), cho biết, hầu hết các tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia trong chế biến thực phẩm ở nước ta đều lấy theo tiêu chuẩn Codex.

Theo bà Minh, sở dĩ một số tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn mặt bằng các nước có lẽ là do nhà quản lý ở nước ta nghĩ trình độ sản xuất của người Việt Nam còn thấp nên đưa ở mức tối thiểu, phù hợp với thực tế.

{keywords}
Nhiều sản phẩm khác cũng ghi nhãn chỉ bán ở Việt Nam 

Bà Minh cho biết, các doanh nghiệp lớn thường sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, họ thường tự công bố chứ không ai xác nhận được làm đúng hay sai.

Hàng Việt xuất khẩu sang các nước khi đi qua cửa khẩu ở Việt Nam còn kiểm tra, sang tới nước nhập khẩu họ lại kiểm tra lần nữa rất nghiêm ngặt. Song ở Việt Nam, ai là người kiểm tra, kiểm tra như thế nào, có thường xuyên không vẫn đang là là dấu hỏi.

Nam Hải