Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác phát triển nền Đông y và Hội Đông y tại Long An đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Ngay sau khi Chỉ thị số 24-CT/TW được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng các phương pháp đơn giản của y dược cổ truyền cho Nhân dân tự phòng, tránh và chữa một số chứng, bệnh thông thường tại cộng đồng; cung cấp các tài liệu về y dược cổ truyền, giới thiệu các cây thuốc gia đình; thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến người dân qua các buổi khám, chữa bệnh... nhờ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bằng y học cổ truyền; việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được mở rộng hơn.
Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền ngày càng quan tâm đầu tư hơn cho y học cổ truyền. Tổ chức Hội các cấp thường xuyên được củng cố và phát triển, tập hợp nhiều lương y có kinh nghiệm, tâm huyết tham gia vào hoạt động của Hội. Đội ngũ cán bộ, thầy thuốc tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, có y đức và tận tâm với nghề.
Việc nuôi trồng, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học cổ truyền được chú trọng hơn; từ đó, có sự kế thừa, bảo tồn và phát huy các bài thuốc quý, góp phần điều trị và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 13/15 huyện, thị có khoa Y học cổ truyền; 208 cơ sở hành nghề Đông y được Sở Y tế cấp phép và 120 Tổ chẩn trị trong Trạm y tế, trong đó có 167 phòng chẩn trị tư nhân, 26 phòng chẩn trị miễn phí, 15 đại lý thuốc Đông y và dịch vụ Đông y. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có 110 giường nội trú. Với mong muốn phát huy nền y học truyền thống của dân tộc phục vụ tích cực cho chăm sóc sức khỏe của người dân, Long An sẽ xây mới bệnh viện Y học cổ truyền tại Phường 3, TP. Tân An với quy mô 300 giường, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Các phòng chẩn trị đã khám chữa bệnh cho hơn 15 triệu lượt người, bốc thuốc nam, bắc gần 58 triệu thang, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 7,3 triệu lượt; trong đó, khám chữa bệnh miễn phí cho gần 9,6 triệu lượt người, cấp phát gần 42,2 triệu thang thuốc, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 5,3 triệu lượt người, cấp gần 122.000 kg thuốc thành phẩm; tổng trị giá miễn phí trên 337,5 tỷ đồng.
Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong 15 năm qua, các phòng chẩn trị đã khám, chữa bệnh cho trên 15 triệu lượt người, bốc thuốc nam, thuốc bắc gần 58 triệu thang, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 7,3 triệu lượt người; trong đó, khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 9,6 triệu lượt người, cấp phát gần 42,2 triệu thang thuốc, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc cho gần 5,3 triệu lượt người, cấp gần 122.000kg thuốc thành phẩm; tổng trị giá miễn phí trên 337,5 tỉ đồng.
Tỉnh có Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) với diện tích trên 1.041ha đất, trong đó có 25ha trồng, lưu giữ nguồn gen của trên 80 loại cây thuốc quý; 3 cơ sở sản xuất 60 mặt hàng thuốc Đông dược và thực phẩm chức năng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Nguyễn Thanh Hải đề nghị các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến đông y và Hội Đông y Việt nam trong tình hình mới.
Tiếp tục chú trọng kiện toàn, phát triển tổ chức Hội thật sự là lực lượng vững mạnh, tập hợp trí tuệ và sự tận tâm về công tác đông y. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực y học cổ truyền. Quan tâm hơn nữa đến việc kết hợp phát triển song hành y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực đông y, tăng cường các hoạt động liên kết, giao lưu với các địa phương và hợp tác quốc tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản xuất thuốc đông y, phát triển nuôi trồng dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Cửu Long