Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An được đầu tư không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn là "đòn bẩy" làm đổi thay những vùng quê nghèo.

Đường giao thông trục xã, ấp phát triển đồng bộ, bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi quanh năm đến trung tâm các xã. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn được các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư ưu tiên đầu tư. Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh ở nhiều địa phương, nổi bật là Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, tỉnh Long An.

{keywords}
Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An đang ngày càng được nâng cấp, đầu tư - Hình minh họa

Trong thực hiện đầu tư giao thông, tỉnh Long An cũng huy động nhiều nguồn lực khác. Chẳng hạn đó là nguồn tài trợ từ chương trình vận động xây dựng cầu nông thôn cho 6 huyện biên giới và huyện Đức Hòa do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động. Đến nay, đã thực hiện được 136 cầu và 12 cống với tổng số tiền hơn 110 tỉ đồng.

Dù nhu cầu đầu tư cho hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh còn rất lớn nhưng nhìn lại 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông đã có nhiều thay đổi rõ nét. Toàn tỉnh hiện có 8.153km đường giao thông (tăng hơn 3.000km so với năm 2010); trong đó đường bêtông nhựa hơn 435km (tăng gần 151km so với năm 2010), đường láng nhựa hơn 2.718km (tăng 2.165km so với năm 2010), đường bêtông xi măng 1.488km (tăng 1.263km so với năm 2010), đường cấp phối gần 2.351km (giảm gần 570km so với năm 2010), đường đất 1.161km (giảm hơn 266km so với năm 2010).

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An cho biết: "Nếu như khi bắt đầu thực hiện chương trình vào năm 2010, qua khảo sát toàn tỉnh chỉ có 2/166 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông thì hiện nay đã là 77 xã".

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm, từ sự phát triển của hệ thống giao thông nông thôn đã thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa, xã hội và thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn. Từ đó, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn.

Dù đã đạt nhiều kết quả về hạ tầng giao thông sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới nhưng hiện vẫn còn những vấn đề cần khắc phục. Đối với quy hoạch kết cấu hạ tầng nông thôn, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chưa có quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông nên chưa xây dựng được kế hoạch lâu dài để phát triển. Điều này làm cho việc đầu tư còn tự phát, chưa có tính định hướng, gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Bên cạnh đó, chất lượng mặt đường giao thông nông thôn tại một số xã chưa cao, tỷ lệ mặt đường cấp phối còn chiếm tỷ lệ cao.

Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Long An Phùng Văn On cho biết thêm: "Tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn vẫn còn nhiều bất cập như thiếu biển báo. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn nhiều. Mặt đường nhỏ, hẹp, tầm nhìn bị hạn chế, tải trọng thấp. Có những tuyến đường chưa đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường...".

Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là kinh phí để đầu tư xây dựng các tuyến đường trục xã, liên xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Bởi đặc điểm địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, ảnh hưởng lũ, triều cường hàng năm, nền đất yếu nên kinh phí đầu tư cho mạng lưới giao thông phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội của từng địa phương rất cao.

Bài: Hà Lệ Yên - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV