Theo Bộ Y tế, chất thải y tế là chất thải phát sinh tại các cơ sở y tế bao gồm chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Ngoài ra, chất thải y tế còn cả chất thải rắn, lỏng khác như các dung dịch thuốc, hóa chất trong điều trị bệnh, nước thải từ các cơ sở y tế đặc biệt khu xét nghiệm, phòng mổ.

Các chất thải y tế nguy hại có quy định thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rõ ràng. Nếu chất thải y tế không được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng cách sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người (lây nhiễm dịch bệnh, ung thư) và môi trường môi trường như ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước. Chất thải y tế phát tán ra môi trường có thể gây suy giảm hệ sinh thái, gây ra bệnh đối với động, thực vật

Vì vậy, công tác quản lý rác thải y tế luôn được ngành y tế tỉnh Long An quan tâm, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ. Thống kê của Sở Y tế, riêng trong năm 2022, tổng số chất thải thông thường thu gom trên 12,8 tấn, trên 304kg chất thải lây nhiễm, gần 18kg chất thải nguy hại không lây nhiễm; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý đạt 99,8%.

chat thai y te long an.png
Nhân viên y tế tại các cơ sở thực hiện nghiêm quy tắc phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Hoàng Mai. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An là cơ sở y tế lớn nhất tỉnh. Hằng ngày, bệnh viện khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân trong tỉnh và các khu vực lân cận. Bệnh viện cũng có hơn 800 nhân viên làm việc, sinh hoạt. Với khối lượng người và công việc chuyên môn số lượng chất thải y tế bao gồm chất thải sinh hoạt thông thường và chất thải y tế nguy hại rất lớn.

Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện đảm nhiễm quản lý giám sát việc quản lý chất thải y tế và vệ sinh bề mặt môi trường; vệ sinh nhà vệ sinh. Chất thải y tế của bệnh viện đều được phân loại chất thải tại nguồn. Các chất thải thông thường được phân loại nếu có khả năng tái chế phân loại riêng, không còn khả năng tái chế riêng. Chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm hay lây nhiễm cho vào thùng với màu sắc theo quy định của Thông tư 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Môi trường năm 2020.

Đến nay, toàn bộ chất thải y tế đều được quản lý, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định. Bệnh viện Đa khoa Long An đã xây dựng hệ thống xử lý và tiêu hủy chất thải rắn do Ngân hàng Thế giới tài trợ với kinh phí 23 tỷ đồng đã giúp giảm ô nhiễm môi trường từ chất thải y tế.

Theo Sở Y tế tỉnh Long An, chất thải y tế không nguy hại tại các cơ sở y tế được gom vào thùng chứa và chuyển giao cho các công công trình đô thị địa phương. Chất thải y tế nguy hại được gom vào khu chứa riêng biệt và định kỳ đốt theo phát sinh. 

Chất thải y tế sau khi được thu gom, phân loại sẽ được xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm. Hiện Long An có 4 cụm xử lý rác thải y tế tại 4 cơ sở y tế lớn nhất trong tỉnh bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc. 

Còn trung tâm y tế huyện đều có lò đốt hai cấp để xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở. Các trạm y tế xã, lượng chất thải y tế rắn nguy hại chưa nhiều nên các trạm gom và đưa về huyện xử lý. 

Tuy nhiên, hiện nay tại Long An nhiều lò đốt rác tại các cơ sở y tế xuống cấp, hư hỏng, một số nhà lưu trữ rác không đúng với quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên Môi trường. Các cơ sở y tế có chất thải y tế nguy hại ít còn chưa được thu gom, xử lý. 

Hiện nay, ủy ban nhân dân tỉnh Long An chưa ban hành quy định quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên việc bố trí kinh phí cho công tác xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế chưa được đầu tư, sửa chữa. Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Long An vào cuối tháng 8, Sở Y tế đã kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định và quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa và nâng cấp hệ thống xử lý chất thải rắn y tế.'

Hoàng Mai