Nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới

Long An là “cửa ngõ” của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Thời gian qua, công tác quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh hướng đến kiến trúc đô thị, tạo diện mạo mới, khang trang, bảo đảm chất lượng, tầm nhìn, đồng bộ, xây dựng đô thị bền vững, sinh thái, thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Trong đó, đô thị TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh. Thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh với TP.HCM.

cangiuoc.jpg
Một góc Cần Giuộc

Đến nay, diện mạo các đô thị thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo cảnh quan khang trang, sạch, đẹp, góp phần phát triển KT - XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Hiện, tỉnh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) với 19 đô thị, trong đó, có 1 đô thị loại II (TP.Tân An), 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 33%. TP.Tân An có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất. Huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng: phát triển hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện, mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Long An phấn đấu đến năm 2030 có 27 đô thị trong toàn tỉnh, gồm có đô thị loại I là thành phố Tân An, đô thị loại 2 là thị xã Kiến Tường.

Trong đó, ưu tiên công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án. Giai đoạn 2023-2025, cần đầu tư xây dựng các dự án có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu và thiếu; tiếp tục triển khai các dự án nằm trong danh mục dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn TP.Tân An được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng mở rộng không gian đô thị Tân An;...

Thông tin tại Hội thảo “Phát triển đô thị - Thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh vừa tổ chức cho hay, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh khoảng 55%, các đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa) phải bảo đảm hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển mạnh các đô thị: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tiếp giáp TP.HCM), mở rộng phạm vi ranh giới các đô thị hiện hữu chưa bảo đảm tiêu chuẩn diện tích.

Thực tế này cho thấy, mặc dù đạt được những thành tựu tích cực, song hiện nay phát triển đô thị tại Long An vẫn còn một số hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Số lượng đô thị tăng lên nhưng về chất lượng vẫn còn những chỉ tiêu thấp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ và có nơi quá tải.

Đô thị phát triển chậm, chưa tương xứng với vị trí, nền kinh tế, vai trò của tỉnh. Hạ tầng đô thị và liên kết vùng còn yếu; chưa thu hút nhiều dân cư đô thị; đầu tư từ ngân sách còn quá ít; chưa có chính sách phát triển đô thị hiệu quả; chưa đảm đương được các hạ tầng cơ bản (xử lý nước thải, hạ tầng liên vùng, chính sách xã hội như nhà ở xã hội);...

Theo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên, để phát triển đô thị theo hướng bền vững, Long An cần chú ý đến công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch chung (1/2.000) nên chỉ định hướng lớn, có sự linh hoạt, phù hợp. Nhà nước nên đầu tư hạ tầng để có thể huy động sự đóng góp của dự án đô thị; đồng thời, đầu tư, bố trí ngân sách cho phát triển và duy trì để đô thị đủ hoạt động.

Thời gian tới, tỉnh cần xây dựng chính sách để chọn, mời gọi nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực về phát triển đô thị; tạo thủ tục đơn giản đối với việc xin phép xây dựng đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng để đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị có sẵn để TP.Tân An và các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư,...

Dựa vào việc xác định vị trí, vai trò của từng đô thị như để ở, dịch vụ, hành chính, du lịch, gắn kết khu công nghiệp,... để có sự quan tâm đầu tư, nâng chất cho phù hợp; không đặt nặng việc nâng hạng đô thị mà phải dựa vào thực chất.

Từ những định hướng và lựa chọn hướng đi đúng đắn, đã đạt được những thành tựu bước đầu vừa qua, sẽ là cơ sở để thời gian tới đô thị Long An sẽ có những bước tiến vững chãi, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển, đưa Long An thành tỉnh hạt nhân vùng phát triển nông nghiệp sôi động đồng bằng sông Cửu Long và công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV