Trong bối cảnh nguồn nước cấp bị ô nhiễm, nhiều hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm đã ứng dụng các công nghệ sử dụng ít nước hoặc công nghệ tuần hoàn để tái sử dụng nguồn nước, đem lại hiệu quả cao trong quản lý môi trường lẫn chất lượng con tôm.
Để thực hiện mô hình này, công ty dành một khoảng nhỏ đất làm nơi gom nước thải về rồi xử lý (lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học), bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo kiểu dích dắc nhằm đảm bảo nước được lọc sạch hoàn toàn, trước khi đưa qua ao thứ năm rồi bơm ngược trở lại ao nuôi.
Long An là tỉnh đi đầu trong việc khuyến khích phát triển nuôi thủy sản theo hướng áp dụng mô hình nuôi ít thay nước, sử dụng chế phẩm sinh học; thực hiện nuôi luân canh, xen canh nhằm hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; các cơ sở nuôi phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, bố trí đầy đủ ao lắng, ao chứa nước thải, chất thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh, chấp hành đúng các quy định pháp luật về thủy sản.
Qua triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, nên người nông dân đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc, thả nuôi 2-3 giai đoạn, ao lót lưới đáy, trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc, thả nuôi mật độ cao, giúp cho sản lượng và lợi nhuận tăng lên. Lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình có thể đạt từ 0,8 - 1,7 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh việc ứng dụng các thiết bị hiện đại, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng còn tiến hành nuôi tôm theo 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao tuần hoàn, gồm giai đoạn nuôi ương trong bể tròn lót bạt (khoảng 20-30 ngày), sau đó chuyển sang giai đoạn 2 nuôi trong ao đất lót bạt (khoảng 25-30 ngày), giai đoạn sau cùng là thả tôm ra ao đất đáy cát lót bạt bờ nuôi thương phẩm. Huyện Cần Đước là địa phương có diện tích tập trung nuôi tôm nhiều nhất Long An với hơn 1.420 ha, trong đó có gần 400 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản lượng hàng năm đạt 4.700 tấn.
Trong điều kiện thủy lợi chưa đồng bộ, nguồn nước còn ô nhiễm, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm ít thay nước được Long An đẩy mạnh nhân rộng.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, phấn đấu đưa ngành tôm phát triển bền vững. Nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến là hơn 1.244 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có, kết hợp với tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nuôi theo hướng công nghệ cao để tăng vụ (3 - 4 vụ/năm), tăng năng suất, chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Năm tới, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên con tôm tại các huyện vùng hạ giai đoạn năm 2021 - 2025; áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao đối với nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, nhằm đạt kết quả cao về năng suất, sản lượng. Với thuế suất 0%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội khi xuất khẩu thủy sản, nông sản, trái cây của Việt Nam nói chung và tôm công nghệ cao của tỉnh Long An nói riêng sang thị trường châu Âu (EU).