Quanh câu chuyện điểm tổng kết học sinh toàn 10 đang được quan tâm gần đây, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) muốn nhìn nhận vấn đề một cách bản chất hơn: Đó là việc đánh giá học sinh và quá trình thay đổi của nó, đặc biệt trong hơn 20 năm gần đây. Dưới đây là ý kiến của ông Điệp.

{keywords}
Cách cho điểm học sinh đã có nhiều thay đổi

Lần lại lịch sử

Đánh giá học sinh được hiểu là đánh giá giá trị giáo dục của kết quả học tập học sinh (HS) trên cơ sở thu thập, xử lý các thông tin một cách có hệ thống, khoa học, toàn diện theo mục tiêu đã được thống nhất bằng chuẩn kiến thức và kỹ năng mà nhà trường đã thực hiện giảng dạy.

Cách đánh giá thành tựu dạy học xuất hiện sớm trong lịch sử giáo dục và kéo dài mãi đến tận hôm nay với những phương cách khác nhau và sử dụng kết quả đánh giá cũng theo những mục đích khác nhau.

Phương Tây, thời cổ đại, triết gia Socrate có kiểu đánh giá tiên tiến của thời đó là phương thức thầy hỏi – trò đáp. 

{keywords}
 

Giáo dục hiện đại xuất hiện phương pháp đánh giá gọi bằng Test. Vào thế kỷ 19 , bác sĩ Binet là bậc thầy của phương pháp này sử dụng trong việc chọn lọc trẻ em bình thường vào trường tiểu học theo chính sách cưỡng bách giáo dục. Phương pháp Binet lan sang châu Mỹ được Terman và Merril hoàn thiện thành một bộ Test khoảng 100 câu hỏi nhằm đo hệ số trí lực trẻ em (IQ-Intelligence Quatient). Phương pháp Test hiện nay đang được sử dụng ở nhiều cấp học …

Cách đánh giá theo cách cho điểm, ở phương đông các cụ đồ Nho phân chia các hạng: ưu, bình, thứ, liệt. Cách này cũng được nha Khảo thí của Giáo dục miền Nam trước năm 1975 xếp hạng trong kỳ thi Tú tài I và Tú tài II là tối ưu, ưu, bình, bình thứ, thứ. Ở một số nước khác có cách cho điểm từ 1 đến 5 (Đức) từ 2 đến 5 (Nga) cho thang điểm 20 (Pháp) thang điểm 100 (Trung hoa , Cu Ba)…

Giáo dục và đánh giá luôn là sự tìm tòi và phát triển để làm thế nào bảo đảm được tính khoa học, khách quan mà người học nhận được kết quả đúng với việc học tập của mình.

Giáo dục tiểu học Việt Nam từ hơn 20 năm qua đang trên con đường tìm kiếm để hội nhập, phát triển theo tầm của thời đại. Nhưng phương cách cũ vẫn còn để lại sâu đậm như một nếp nghĩ, một thói quen mà gia đình học sinh bao gồm ông bà, cha mẹ các em và dư luận xã hội chưa thể thấy được sự thay đổi của cách đánh giá mới đang diễn ra trong nhà trường cho cháu con mình.

Hơn 20 năm thay đổi

1. Đánh giá: Xếp hạng – xếp loại

Trước năm học 1995 - 1996, việc đánh giá kết quả học tập HS tiểu học theo cách cộng điểm, chia trung bình từng tháng để xếp hạng và xếp loại. 1 tháng có 20 cột điểm, cuối học kì có kiểm tra. Kết quả học kỳ là tổng điểm trung bình các tháng cộng điểm kiểm tra học kì chia cho số tháng và số môn kiểm tra. Mỗi tháng, giáo viên (GV). HS từ hạng nhất đến hạng 5 được lên bảng danh dự của lớp. Cuối năm, là điểm trung bình cộng của 2 học kỳ. Những HS có điểm trung bình cao nhất khối lớp, cao nhất trường thì có phần thưởng và lên bảng danh dự xuất sắc.

Phương cách đánh giá xếp hạng tạo ra sự tranh đua sôi nổi trong lớp học và trong nhà trường.  Cách đánh giá xếp thứ hạng tồn tại lâu dài, như truyền thống của nhiều thế hệ trở thành một chuẩn mực về HS giỏi. Đồng thời cũng còn tác động trong xã hội cho đến hôm nay. Hoa điểm 10, điểm 10 tặng ba mẹ, cơ quan ba mẹ khen tặng con nhân viên hs giỏi … Mặc dù hôm nay cách đánh giá đã thay đổi.

2. Đánh giá – xếp loại và đánh giá nhận xét

Năm học 1995-1996, Bộ GD ĐT ban hành Thông tư số 15 thay đổi hoàn toàn về phương thức đánh giá. Theo đó, không xếp hạng chỉ xếp loại kết quả học tập theo kết quả: Giỏi – khá – trung bình – yếu với khung điểm thích hợp như cách tính điểm học lực môn học trong quá trình kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ, từ đó xếp loại học lực từng môn học (Giỏi: 9-10 điểm; Khá: 7- 8,9; Trung bình: 5- 6,9; yếu dưới 5). Xếp loại học lực chung có1/2 học lực môn đạt loại giỏi (Trong đó có môn Tiếng Việt hoặc Toán) các môn còn lại đạt loại khá.

Thông tư 15, ngay năm đầu tiên áp dụng đã bùng nổ số lượng HS xuất sắc và HS giỏi. Truyền thông báo chí đưa tin lạm phát HS giỏi, tất cả con cái chúng ta đều giỏi… Khác với những năm trước, xếp theo thứ hạng, phụ huynh, xã hội chỉ nhìn vào thứ hạng của HS để khen thưởng, tuyên dương.

Cách đánh giá mới tạo hiệu ứng vào đổi mới phương pháp dạy học, vào nhận thức về năng lực học của trẻ mà không tạo áp lực, cạnh tranh để cho trẻ hợp tác cùng đạt kết quả học tập.

Việc đánh giá HS tiểu học được tiếp tục cải tiến bằng cách kết hợp định lượng (cho điểm) và định tính (bằng nhận xét).

Năm học 2009, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32 với một phương thức mới tiên tiến. Trong năm học, kiểm tra cuối năm là điểm số dùng xét lên lớp, khen thưởng và hoàn thành chương trình tiểu học. Việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ hoàn toàn giao quyền cho nhà trường và giáo viên. Đây là xu hướng tiến bộ trong giáo dục hiện đại khi không cộng điểm bình quân để đánh giá kết quả cuối năm.

Năm học 2014-2015, thêm một phương thức mới được triển khai bằng Thông tư 30: Ban hành quy định đánh giá HS tiểu học. HS được đánh giá bằng nhận xét theo các nguyên tắc như: Đánh giá toàn diện thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực phẩm chất của hs theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Đánh giá sự tiến bộ HS. Không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, giáo viên, cha mẹ hs.. và không xếp loại khen thưởng.

Đây là phương thức mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, cái mới đang chịu nhiều thử thách về tổ chức thực hiện trong năm đầu áp dụng. Thử thách lớn nhất là tạo sự đồng thuận của chính trong đội ngũ giáo dục tiểu học (thay đổi thói quen đã có nhiều kinh nghiệm in sâu cần có thời gian và các biện pháp khoa học mang tính thuyết phục để thực hiện).

Chưa kể tới thử thách về phụ huynh trong sự hợp tác, chia sẻ và đổi mới nhận thức về năng lực học tập của con em mình. Phụ huynh thay đổi cách nhìn nhận sức học không qua thứ hạng, tranh đua mà là giúp trẻ hợp tác, phát triển năng lực bản thân để học tập. Thay điểm số bằng nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ và cùng giúp trẻ nếu có khó khăn. Khắc phục những thử thách này sẽ tác động đến xã hội và sẽ là sự thuận lợi cho việc đổi mới trong tương lai (Hơn là những điểm 10 mà xã hội hoài nghi)

Hơn 20 năm đã qua, giáo dục tiểu học đã có nhiều thay đổi trong phương thức đánh giá kết quả học tập của HS.

Nhưng phải nhìn thấy rõ là tác động sự thay đổi đó chưa mạnh mẽ, chưa thuyết phục và chưa lay động được phương thức truyền thống dù rất cổ điển của cách xếp thứ hạng mà âm vang còn ngân nga mãi khi nhìn nhận HS xuất sắc, HS giỏi từ thứ hạng cao để tuyên dương khen thưởng một cách xứng đáng.

Cái mới, như đã trình bày, luôn là sự thử thách mà giáo dục tiểu học Việt Nam phải vượt qua, phải chinh phục để có một âm thanh mới cất cao lên và phải được mọi người (giáo viên , phụ huynh, học sinh...) cùng vỗ tay hoà nhịp trong niềm vui, niềm tin vào bước đầu đổi mới giáo dục tiểu học Việt Nam hiện nay.

Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM

*********

Ý kiến của các bạn về vấn đề đang quan tâm, xin gửi theo địa chỉ: banbandoc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn

Học sinh toàn điểm 9, 10 nên vui hay buồn?

Học sinh toàn điểm 9, 10 nên vui hay buồn?

Sau khi mục "Diễn đàn" đăng ý kiến của bạn đọc: Điểm 10 đỏ rực học bạ: Tiến hóa hay thoái hóa?” nhiều ý kiến của bạn đọc đã nêu lên thực trạng và lo lắng về tình hình trên ở địa phương mình đồng thời đưa ra giải pháp.

)