2 lớp tập huấn trong mỗi năm, kéo dài trong 5 năm tại 8 tỉnh thành giúp nhiều bác sĩ phụ sản tăng cường kiến thức sàng lọc, chẩn đoán, điều trị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh để sớm nhận biết, chăm sóc và cứu sống trẻ sơ sinh mắc chứng bệnh này.
Vừa qua tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ đã diễn ra buổi tập huấn cho các y bác sĩ trong khuôn khổ dự án “Nâng cao nhận thức về sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh giai đoạn 2014 - 2018”. Nhân dịp này, Th.S BS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có những chia sẻ xoay quanh hoạt động của dự án.
Giảm tỉ lệ tử vong do RLCHBS
- BS có thể cho biết kế hoạch và mục tiêu của dự án là gì?
Dự án này sẽ mở 2 lớp tập huấn trong mỗi năm, kéo dài trong 5 năm tại 8 tỉnh, thành khác nhau gồm: Tp.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng…
Năm 2014, chúng tôi đã tổ chức hai buổi tập huấn ở Tp.HCM tại hai bệnh viện lớn là Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 là 2 bệnh viện “đầu mối” của cả khu vực Miền Nam, y bác sĩ của 64 bệnh viện sản, nhi khác nhau của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng đến tham dự.
Thường các bệnh nhân RLCHBS của khu vực phía Nam đều được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu của 2 bệnh viện này. Vì thế, khi các bác sĩ ở đây đã nắm vững chuyên môn thì các cháu sẽ được cứu sống. Thực tế là sau khi được tập huấn, từ tháng 7/2014 đến nay đã có 15 cháu đã được chẩn đoán và đưa vào diện chăm sóc…
Ảnh: Internet |
- Trong khuôn khổ dự án đã có bao nhiêu trường hợp được sàng lọc, chẩn đoán và điều trị RLCHBS?
Nếu chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, kể từ sau khi ký kết dự án, chúng tôi sàng lọc 700 ca và dương tính xác định chẩn đoán là 70 ca. Cũng phải nói thêm là trước đây, khi mới bắt đầu phát hiện những ca RLCHBS ở nước ta, tỷ lệ tử vong ở trẻ lên tới 70%, nay chỉ còn 9%.
Cần nhiều sản phẩm đặc biệt chữa trẻ bị RLCHBS
- Theo bác sĩ, những khó khăn và thuận lợi của Việt Nam trong việc sàng lọc, chẩn đoán và điều trị RLCHBS so với các quốc gia khác là gì?
Chúng ta mới thực sự bắt tay vào tìm hiểu về RLCHBS cách nay hơn 10 năm tức năm 2004. Thế giới đã phát hiện ra căn bệnh RLCHBS từ cách đây hơn 100 năm. Còn rất nhiều điều để chúng ta phải tìm hiểu và học hỏi.
Như đã nói từ đầu, xây dựng yếu tố con người, lớp y bác sĩ có chuyên môn, có khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh RLCHBS là quan trọng nhất. Nói vậy để thấy tầm quan trọng của các buổi tập huấn như thế này.
Rất may mắn là dự án “Nâng cao nhận thức về sàng lọc, chẩn đoán và điều trị RLCHBS” giúp giải quyết một phần quan trọng ở khâu này.
Thứ hai nữa là nguồn cung cấp sản phẩm sữa đặc biệt cho trẻ. Cho tới nay trong khuôn khổ dự án, trẻ bị RLCHBS được công ty Mead Johnson hỗ trợ hoàn toàn, thế nhưng về lâu về dài, nguồn tài trợ rồi sẽ cạn kiệt, vì thế chúng ta cũng phải nghĩ đến tương lai.
Thêm một điều nữa là chữa cho trẻ bị RLCHBS cần rất nhiều loại sản phẩm đặc biệt khác nhau, nhưng việc nhập về một loại mới hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản…
- Bác sĩ có lời khuyên gì với gia đình trẻ bị RLCHBS không?
Cần luôn luôn luôn theo dõi các biểu hiện dù là nhỏ nhất của trẻ. Khám bác sĩ ngay khi thấy các triệu chứng về RLCHBS, nếu cần phải tầm soát ngay. Đặc biệt, với gia đình nào đã có tiền sử tử vong trẻ sơ sinh thì càng phải cực kỳ cẩn thận.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Dự án “Nâng cao nhận thức về chẩn đoán và điều trị một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh giai đoạn 2014 - 2018” do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y Tế, Bệnh viện Nhi Trung ương với sự hỗ trợ hợp tác của công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam thực hiện.
Trong năm 2014, dự án đã tập huấn thành công cho trên 400 y bác sĩ tại 67 bệnh viện trong cả nước. Cho đến nay, dự án đã điều trị thành công và cứu sống trên 100 trẻ bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. |
Phương Dung