Hãng điện thoại Coolpad (Trung Quốc) hôm 6/9 vừa thành lập công ty con tại Việt Nam, đặt mục tiêu lọt vào top 5 các hãng smartphone lớn trong năm 2016 và vào top 3 ở năm kế tiếp.

Bà Michelle Xu, Giám đốc nhãn hiệu Coolpad tại Việt Nam khi trao đổi với ICTnews cho biết, dựa vào số liệu GfK hiện nay, để lọt vào top 5, cần bán được khoảng 30 ngàn máy/tháng, và lọt vào top 3 khi đạt con số khoảng 50 ngàn máy/tháng. Các số liệu này đều không tính thị phần của Apple.

Cách đây gần hai tháng, Vivo cũng chính thức ra mắt thị trường Việt Nam và đặt mục tiêu chiếm 15-20% thị phần điện thoại smartphone trong nước vào năm 2017. So với mục tiêu của Coolpad, hãng điện thoại đồng hương Vivo còn tham vọng hơn khi đặt mục tiêu này, vì cần biết rằng Oppo – hãng smartphone chiếm thị phần thứ hai tại Việt Nam tính đến tháng 5 năm nay, theo số liệu GfK – đang chiếm 21,8% thị phần.

Cuối năm ngoái, khi chính thức vào Việt Nam thông qua nhà phân phối Phúc Hải, ZTE cũng đặt mục tiêu lọt vào top 5, nhưng trong thời hạn 3 năm, tức đến cuối 2018.

Dựa vào số liệu GfK đến tháng 5/2016, Samsung đang là hãng dẫn đầu thị phần smartphone tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 34,7%. Oppo đứng ngay phía sau với 21,8%. Vị trí thứ 3 thuộc về Mobiistar với 5,8%, kế đến là Microsoft và Sony với thị phần lần lượt 4,7% và 4,6%. HTC và Asus mỗi hãng được hơn 2%.

Trong khi đó, các hãng không được kể tên chiếm đến 21,1% thị phần, cho thấy Việt Nam có nhiều hãng nhỏ, gộp lại chiếm thị phần tương đương Oppo ở vị trí thứ hai. Tất nhiên trong số 21,1% thị phần này, chắc chắn Apple chiếm một tỷ lệ đáng kể, không thể thua thị phần 5,8% của Mobiistar – vốn đang ở vị trí thứ 3.

Nhìn vào bức tranh trên, có thể thấy vị trí của Samsung hầu như không thể lay chuyển, hãng đã có rất nhiều năm chiếm đóng vị trí số 1, trước đó là vị trí số 2 chỉ sau Nokia. Oppo chiếm 21,8% thị phần, đổi lại bằng thời gian hơn 3 năm đổ tiền vào các chiến dịch tiếp thị và hoạt động bán hàng, thì các hãng nào muốn ngấp nghé đến vị trí này hẳn phải đổ một khoản tiền tương đương. Trừ Apple có thể chiếm vị trí thứ 3 nhưng không được GfK tính vào, thì thị phần 5,8% của Mobiistar là nơi có thể dễ bị tấn công nhất.

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc tiếp thị Oppo Việt Nam, cho biết vị trí top 5 tương đối khả thi cho các hãng đặt mục tiêu, tuy nhiên thị phần mới là điều quan trọng. Ông Cường cho biết, tính tương đối thì hiện nay hãng chiếm vị trí số 1 có thị phần gấp đôi hãng thứ hai, hãng thứ hai gấp đôi hãng thứ 3, và hãng thứ 3 cũng dẫn trước hãng số 4 hai lần. Do đó vị trí số 5 tương đối dễ thở nhưng ở vị trí số 3 thì bắt đầu rất khó.

Đối với các hãng đã đặt mục tiêu thị phần có nhắc tên ở trên, ông Mai Triều Nguyên – chủ hệ thống Mai Nguyên, người có kinh nghiệm quan sát thị trường di động từ nhiều năm nay – nói để đạt mục tiêu thì rất khó, phụ thuộc nhiều yếu tố mà không phải có tiền đã đạt được. Đó là chưa kể việc các hãng có chịu bỏ tiền đầu tư hay không.

Trước đây, khi nói về việc một hãng mới muốn gia nhập các top danh giá ở Việt Nam, ông chủ Mai Nguyên cho rằng “rất khó, nhưng không phải không làm được”.

“Quan trọng là họ có quyết tâm cực cao, không nản chí, phải có tiềm lực tài chính mạnh, giải sản phẩm tốt và liên tục... biết cách làm truyền thông, tìm ra chiến lược kinh doanh đúng…”, người có kinh nghiệm hơn chục năm trong ngành di động phát biểu.

Ở thời điểm giữa năm ngoái, số liệu IDC cho thấy Samsung, Microsoft chiếm hai vị trí đầu bảng, Oppo và Asus theo sau. Khi đó Oppo và Asus mỗi hãng chiếm khoảng trên dưới 10%, và là hai điển hình mà ông Nguyên cho rằng có cách làm đúng đắn.

Tuy nhiên cho đến hiện tại, Oppo đã bứt phá lên vị trí thứ hai, tăng gấp đôi thị phần, trong khi Asus đã tụt lại phía sau, chỉ chiếm 4,9% theo số liệu GfK đến tháng 5 năm nay. Điều này cho thấy cuộc đua chiếm thị phần ở Việt Nam là hành trình dài hơi, không có chút lơi là.

Để vào top 5, tương đương khoảng 5% thị phần hiện nay, không phải chuyện quá khó. Nhưng cần hiểu rằng rất nhiều hãng đang nhắm đến miếng bánh tầm đó. Có thể kể những tên tuổi lâu đời như HTC, Sony, hay những hãng giàu tiềm lực như Huawei, Lenovo, ZTE, chưa kể Asus đã từng len lên vị trí cao thứ 3, thứ 4 năm ngoái. Và một ẩn số tương lai không thể không kể đến là Nokia – một tên tuổi được ưa chuộng ở Việt Nam, đang chuẩn bị kế hoạch ra smartphone đầu năm sau.

Tất nhiên, ở thị trường nội địa, các hãng như Vivo, ZTE, Huawei, Lenovo đều là các tên tuổi lớn. Việc họ đặt mục tiêu cao ở thị trường Việt Nam là điều không khó hiểu.

Ông Shawn Shu, Giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei Việt Nam, từng cho biết thị trường Việt Nam rất khốc liệt, có hàng chục thương hiệu smartphone cạnh tranh nhau, chứ không chỉ khoảng 10 hãng như ở các nước châu Âu nơi ông từng làm việc.

Trong các hãng mới tham gia thị trường Việt Nam, dễ thấy Vivo đã phủ sóng các bảng hiệu trên rất nhiều tỉnh thành và các thành phố lớn, tương tự cách làm của Oppo. Coolpad thì chính thức thành lập công ty con tại Việt Nam, tự mình phân phối hàng như cách làm của các hãng lớn. Huawei là hãng có tiềm lực tài chính và có vẻ có quyết tâm, cũng đã triển khai bảng hiệu ở nhiều cửa hàng nhỏ. Đây đều là các hãng có khả năng sẽ lọt vào top đầu.

Tất nhiên để đạt được mục tiêu top 5 hay top 3, các hãng còn phải dè chừng Mobiistar – thương hiệu Việt lâu đời đang âm thầm trấn giữ ngõ vào top đầu.