- Khi thị trường bất động sản rơi vào cảnh khó khăn cũng là lúc nhiều đại gia bất động sản lâm vào vòng bĩ cực... Thua lỗ, nợ nần, lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, đã có nhiều đại gia bất động sản bỏ trốn nhưng hầu hết đều phải trả giá.
Đại gia Hà Nội bị bắt sau 6 năm bỏ trốn
Công an vừa bắt được Lê Trung Kiên (SN 1972, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội; chồng một Á hậu trong cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam) sau 6 năm truy nã đặc biệt vì đã chiếm đoạt 300 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Theo điều tra, đầu năm 2007, với nỗ lực cho ra đời một công ty chuyên về bất động sản hoạt động tập trung nhất tại Hà Nội và TP.HCM, một số doanh nghiệp đã mời Kiên hợp tác. Tháng 4/2007, Kiên thông báo về đề án thành lập Lilama Land với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Đối tượng Lê Trung Kiên |
Mặc dù Công ty Lilama chỉ cho phép Kiên mời các nhà đầu tư ký góp vốn mua cổ phiếu, chứ không được phép thu tiền, song Kiên đã tự ý thu tiền mua cổ phiếu Lilama Land của hơn 100 nhà đầu tư với tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng. Số tiền này Kiên đã sử dụng vào một số việc cá nhân.
Nữ đại gia BĐS Đà Nẵng làm ôsin để trốn truy nã
Sáng 15/4/2015, khi quán cơm nơi Lê Thị Tuyết Nhung (SN 1963, ngụ quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) rửa bát thuê vắng khách, trong vai thực khách, các trinh sát đã ập vào bắt Nhung trước sự ngỡ ngàng của đối tượng, chủ quán và những người làm cùng.
Lê Thị Tuyết Nhung tại trụ sở công an. |
Trong quá trình phụ giúp chồng kinh doanh mặt hàng inox, quen biết một số “doanh nhân” chuyên kinh doanh bất động sản, Nhung quyết định đầu cơ vào nhiều dự án bất động sản cũng như mua bán qua tay những mảnh đất đang nằm trong diện giải tỏa nhằm kiếm lời. Song, những dự án Nhung đầu cơ thường rơi vào tình trạng trì trệ, không có khả năng thu hồi vốn.
Đến đầu năm 2010, Nhung bỏ trốn khỏi địa phương sau khi không còn khả năng thanh toán nợ. Được biết, trước khi bỏ trốn, Nhung nổi tiếng bởi phong cách sinh hoạt đại gia, tiêu tiền như nước của mình, đi đâu cũng có ô tô đưa rước.
Lừa bán nhà giãn dân phố cổ trên giấy
Ngày 28/1/2015, TAND Tối cao Hà Nội đã tuyên bản án đối với các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong dự án giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trong quá trình nghiên cứu dự án, các phòng chức năng quận Hoàn Kiếm phát hiện Công ty Hồng Hà rao bán căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ khi dự án chưa được phê duyệt. Ông Trần Ứng Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà, cùng thuộc cấp có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng.
Tổng giám đốc sàn BĐS lĩnh án chung thân
Chiều 7/11/2014, TAND TP. Hà Nội tuyên tù chung thân bị cáo Lê Hồng Bàng (SN 1976, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Lê Hồng Bàng |
Theo cáo trạng, Bàng cùng đồng phạm đã tạo dựng hồ sơ các dự án đất đai, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các bị hại. Cụ thể, Bàng cùng đồng phạm tạo dựng hồ sơ các dự án 683, Lộc Hòa, Cửu Long, Phương Đông tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Huy động hơn 100 tỷ đồng nhưng dự án bỏ không
Cuối tháng 9/2013, ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, đã bị bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc liên quan tới dự án khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền là hơn 100 tỷ đồng.
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn vẫn là bãi cỏ hoang. |
Căn cứ vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Housing Group, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn của hơn 200 khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên, số tiền trên đã không được dùng để thực hiện dự án. Đến nay, sau gần 3 năm huy động vốn, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc xanh um.
Lừa hàng trăm tỷ, Chủ tịch Vina Megastar bị bắt
Ngày 1/7/2013, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đã bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, Chủ tịch Công ty Vina Megastar, chủ đầu tư của rất nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Dự án 409 Lĩnh Nam, một trong chuỗi dự án của Megastar chưa được triển khai. |
Để có tiền đầu tư vào các dự án lớn của công ty mình, ông Long đã thế chấp các dự án cho các ngân hàng lớn để vay vốn; đồng thời, huy động hàng trăm tỉ đồng từ khách hàng trong khi dự án không tiến triển.
Đại gia BĐS xứ Nghệ vỡ nợ rồi bỏ trốn
Ngày 28/6/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Chu Ngọc (SN 1977, thường trú tại phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh) 16 năm tù giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chu Ngọc lĩnh 16 năm tù vì tội lừa đảo. |
Ngọc được biết đến là một đại gia mới nổi ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vào những năm 2006 -2007. Dưới cái mác giám đốc một loạt nhà hàng, khách sạn ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Ngọc đã lừa nhiều người với số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng. Tháng 9/2011, khi vỡ bong bóng bất động sản ở thành phố Vinh, Ngọc Đại Dương cũng vỡ nợ và bỏ trốn ra Hà Nội. Cuối tháng đó, Ngọc bị cảnh sát bắt.
Đại gia Vạn Quang lừa đảo với dự án “vẽ”
Ngày 29/08/2012, ông Bạch Hùng Quang, nguyên Giám đốc Công ty bất động sản Vạn Quang, đã bị bắt khẩn cấp vì hành vi lừa đảo bằng việc lập và bán các dự án “ma”.
CQĐT đọc lệnh bắt, khám xét đối với ông Quang |
Năm 2010, Quang chỉ đạo nhân viên lập dự án “Khu nhà ở thông tầng Vạn Phúc Hà Đông” với hàng loạt giấy tờ giả mạo. Vậy mà với "dự án vẽ” này, Quang đã lừa và chiếm đoạt được 13 tỷ đồng và 30.000 USD. Đến khi tiền đã nộp đủ, thời gian đợi chờ đã qua, nhưng nhà thì chẳng thấy đâu, các nạn nhân mới ngã ngửa ra là bị lừa.
Đại gia siêu lừa Nguyễn Anh Quân
Đầu năm 2011, với tư cách TGĐ Công ty cổ phần BETA BQP, Nguyễn Anh Quân đã ký các hợp đồng vay vốn và hợp đồng hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, là Công ty HANIC. Trong các hợp đồng và nhiều công văn gửi HANIC, Quân luôn khẳng định gian dối rằng Công ty BETA BQP là “nhà đầu tư thứ phát” tại Dự án Thanh Hà A - CIENCO5 và khẳng định “sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện dự án” cho HANIC, qua đó Quân đã chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.
Nguyễn Anh Quân và dự án Thanh Hà mà công ty Hanic bị "mắc cạn". |
Quân bị truy nã quốc tế từ ngày 3/2/2012. Sau đó ít lâu, Nguyễn Anh Quân bị bắt giữ khi nhân viên an ninh sân bay Dulles kiểm tra lý lịch hành khách thì thấy đương sự đang bị Cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)