Năm 2012, thông tin Cty TNHH công nghiệp thương mại Thái Sơn, Hải Phòng (Cty Thái Sơn) vỡ nợ đã làm rúng động dư luận cả nước, bởi Cty này từng được nhiều tổ chức vinh danh là “Doanh nghiệp tiêu biểu”, “Doanh nhân tiêu biểu”. Sự sụp đổ của Cty Thái Sơn đã kéo theo hàng loạt ngân hàng lâm vào tình trạng không có khả năng thu hồi nợ. Không chỉ có vậy, ít nhất 10 người phải vào vòng lao lý chỉ vì những hợp đồng, dự án "ma" mà ông giám đốc Cty này vẽ ra.
Cái giá của sự phất lên quá nhanh
Vào đầu những năm 2000, ở Hải Phòng, không mấy người không biết đến Cty Thái Sơn bởi sự hoành tráng của DN này. Ông chủ Thái Sơn Phạm Văn Thụ (có tên gọi khác là Nguyễn Bá Long) kinh doanh đủ các loại ngành nghề: Thép, vật tư phế liệu, phương tiện vận tải thủy, bộ, mua bán tàu cũ, sản xuất phôi thép...
Vào thời điểm đó, Cty Thái Sơn có nguyên cả một đội tàu sông, biển vận tải hàng hóa, tuy nhiên, nguồn lợi lớn nhất mang đến cho Thái Sơn vẫn là việc kinh doanh sắt, thép, mua bán tàu cũ, phá dỡ tàu để lấy sắt vụn, sản xuất phôi thép... doanh thu cả ngàn tỉ đồng mỗi năm. Chính vì thế, ông Thụ nổi lên như một đại gia ngành thép ở Hải Phòng và từng được nhiều tổ chức vinh danh là “Doanh nhân tiêu biểu”, Cty Thái Sơn được vinh danh là một trong những “Doanh nghiệp tiêu biểu” của cả nước.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 giống như một cơn bão ập đến Việt Nam, giá sắt thép tụt giảm mạnh nên chỉ từ cuối tháng 8.2008 đến năm 2011, Cty Thái Sơn đã lỗ 137,3 tỉ đồng từ việc kinh doanh sắt thép.
Trụ sở Cty Thái Sơn |
Nếu chỉ dừng lại ở đó, có lẽ Cty Thái Sơn chưa thể sụp đổ được, mà sự sụp đổ bắt đầu từ việc mở rộng đầu tư tiền vào hàng loạt dự án lớn khác như: Xây NM đóng tàu Thái Sơn, mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng cho Cty CP ĐT Duyên Hải; Cty dịch vụ Thái Hà..., nhưng các dự án này đều dở dang, không sinh lời, dẫn đến buộc phải bán sắt thép, tài sản giá thấp để trả nợ ngân hàng. Đến cuối năm 2010, tình hình tài chính của Cty Thái Sơn đã có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.
Kéo cả gia đình vướng vòng lao lý
Điều đáng lưu ý khi còn nắm chức Chủ tịch, kiêm TGĐ Cty, ông Phạm Văn Thụ đã đưa toàn bộ gia đình, con cháu vào giữ các chức danh cũng như trở thành người góp vốn trong Cty. Cụ thể, ngoài ông Thụ, trong danh sách các thành viên góp vốn gồm có ông Nguyễn Bá Lưu (em trai ông Thụ); Phạm Hải Thanh (con trai ông Thụ); Bùi Đức Thìn (em vợ ông Thụ); Phạm Thị Lan (con gái ông Thụ); Nguyễn Thị Phương (em gái ông Thụ)... Khi làm ăn thua lỗ, để cứu vãn tình hình, ông Thụ đã thành lập 11 Cty như Cty TNHH CN Minh Thanh, Cty CPTM vận tải biển Hoàng Long, Cty TNHH TM cơ khí An Dương... và giao cho vợ, con, em, cháu là người thân làm GĐ các Cty này, nhằm mục đích ký hợp đồng mua bán, hợp đồng tín dụng.
Để vay được tiền từ ngân hàng trong khi không còn tài sản thế chấp, ông Thụ đã dùng pháp nhân của các Cty này để chỉ đạo, điều hành ký các hợp đồng tín dụng, sử dụng hợp đồng, chứng từ ngoại thương mua bán hàng hóa (sắt thép), hợp đồng mua bán sắt thép khống, làm hồ sơ đề nghị giải ngân, dùng tài sản bảo đảm là bất động sản, tài sản gắn liền với đất và sắt thép để tại kho của các Cty này thế chấp cho 14 tổ chức tín dụng như Vietcombank, HDbank, Vietinbank, OCB, Seabank, VRB, Eximbank, GPbank, BIDV... vay tổng số tiền 1.128 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 1.111 tỉ đồng không có khả năng trả nợ.
Cơ quan điều tra xác định, toàn bộ số tiền vay được của 14 tổ chức tín dụng bằng những hợp đồng khống, ông Thụ đã không sử dụng để kinh doanh sắt thép như cam kết, mà dùng để trả nợ các khoản vay, lãi đến hạn và chi tiêu cá nhân. Vì vậy cơ quan điều tra cho rằng, ông Thụ đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải chịu trách nhiệm với số tiền lừa đảo là 507 tỉ đồng.
Ngoài ông Thụ, còn có con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh cùng 4 người khác đã có vai trò đồng phạm, giúp sức ông Thụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng và đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố về tội danh này. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 4 cán bộ ngân hàng, vì đã có hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo Lao động