Ông Đáng cũng đã nói vui, rằng đề nghị ban soạn thảo hãy cứ bình tĩnh nghe góp ý của các đại biểu Quốc hội. Gọi là luật "né" vì dự thảo luật vẫn còn chung chung, né tránh hầu hết các vấn đề cốt tử của giáo dục đại học. Các vấn đề lớn trong giáo dục đang còn bị "nén" lại, né tránh. Hầu hết những điều khoản quan trọng đáng lẽ phải được làm rõ trong luật thì lại tiếp tục được chuyển lên cho Thủ tướng hoặc Chính phủ quy định.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng: Ban soạn thảo hãy bình tĩnh nghe góp ý... Ảnh: Ngọc Thắng |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) tỏ ra lo lắng, bởi hệ thống luật về giáo dục lâu nay vốn đã chung chung, mà luật này lại cũng không cụ thể, "e rằng giáo dục đại học lại tiếp tục đi trên con đường luẩn quẩn".
Vẫn tư tưởng xin - cho
Gây bức xúc nhiều nhất cho các vị đại biểu Quốc hội về tình trạng "luật né" là các quy định về quyền tự chủ vẫn thể hiện tư tưởng xin - cho, bao cấp.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé: E rằng giáo dục đại học tiếp tục đi trên đường luẩn quẩn. Ảnh: Minh Thăng |
Theo ông, riêng quy định về giao quyền tự chủ đã xứng đáng để viết thành một chương, cụ thể, rạch ròi về đối tượng, lộ trình cũng như việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ. Việc giao quyền tự chủ phải thực hiện có lộ trình, giao đến đâu và giao ở mức độ nào là phù hợp.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng thấy quy định đưa ra có vẻ rất hay nhưng bao giờ cũng chốt "giao Thủ tướng, giao Chính phủ". Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong dự án luật chưa rõ. Dự án luật vẫn cho thấy cơ quan quản lý nhà nước tham gia quá sâu vào cơ chế vận hành của các trường.
Còn theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), quy định về quyền tự chủ vẫn còn khắt khe, cơ bản vẫn giao quyền quyết định cho Bộ trưởng Giáo dục. Bà đề nghị "nên quy định lộ trình luôn trong luật, cùng với đó là chế tài xử lý với các trường vi phạm... Tuy dự án được chuẩn bị công phu, tham vấn nhiều nơi nhưng một khi chưa đáp ứng được yêu cầu thì cứ thực hiện luật giáo dục hiện hành".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Văn Học cho rằng, một số nguyên tắc mà luật đề ra để giao quyền tự chủ vẫn còn vướng nhiều khó khăn. Chẳng hạn, để giao quyền tự chủ phải dựa vào kết quả kiểm định chất lượng. Song với số lượng hơn 400 cơ sở giáo dục như hiện nay, liệu bao giờ mới kiểm định xong.
Cũng theo ông Học, quy định về việc Bộ có quyền giao và thu hồi quyền tự chủ cho các trường vẫn thể hiện tư tưởng xin - cho. "Nên xây dựng một bộ tiêu chí cụ thể, từ đó có lộ trình chi tiết từng bước giao quyền tự chủ thì mới thực hiện được, nếu vẫn đợi hướng dẫn thì còn rất lâu", ông Học nói.
Ông Học và nhiều đại biểu khác cho rằng, đã bàn chuyện giao quyền tự chủ là phải có cơ chế Hội đồng trường, với cơ cấu và chức năng rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng trường phải có vị thế độc lập, không thể để cho hiệu trưởng kiêm nhiệm.
Kiểm định độc lập
Liên quan đến kiểm định chất lượng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) góp ý, dự thảo nên quy định việc kiểm định chất lượng là bắt buộc và hướng tới ban hành một bộ tiêu chuẩn. Mọi thông tin phải được công khai, minh bạch, tránh tình trạng mập mờ như lâu nay.
ĐB Lê Văn Học: Vẫn thấy tư tưởng xin - cho. Ảnh: Minh Thăng |
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) góp thêm ý kiến, nên quy định lộ trình định kỳ hai năm tổ chức kiểm định một lần để kịp uốn nắn các vi phạm khi cần thiết. "Giáo dục là ngành cung cấp dịch vụ, nhưng nếu là dịch vụ chất lượng cao thì không chỉ mang lại lợi ích cho dân mà còn cho đất nước", ông Tuấn nói.
Theo ông, cơ quan kiểm định phải có vị thế độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, luật phải bổ sung chế tài xử lý trường vi phạm sau khi được kiểm định cũng như chế tài với trung tâm kiểm định.
Nhiều đại biểu khác cũng tán thành quy định phải ràng buộc tiêu chí kiểm định chất lượng là việc làm bắt buộc, và có thể thành lập ba trung tâm kiểm định ở ba miền khác nhau.
"Chúng ta đã nhận thức được rằng công tác kiểm định còn yếu, vậy thì sắp tới phải làm thật mạnh. Chỉ có như vậy các trường mới quan tâm giữ gìn thương hiệu. Nên tổ chức cơ quan kiểm định giống như mô hình kiểm toán độc lập", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) góp ý.
Dự thảo Luật giáo dục đại học được đưa ra lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và sẽ còn được tiếp thu, chỉnh lý.
Lê Nhung