Chỉ bằng những thủ thuật, vật dụng đơn giản, nhiều hành khách đã phải ngậm quả
đắng vì tài sản không cánh mà bay khi đi xe buýt. Tưởng rằng, những tên "đạo
chích" xe bus chỉ là những tay trộm vặt nhưng đằng sau chúng là cả một hệ thống
hoạt động theo luật ngầm giống như các bang phái xã hội đen.
Bang hội theo tuyến
Tôi có cậu bạn học cùng thời phổ thông hiện nay mở hiệu cầm đồ ở khu vực phố
Nhổn, huyện Từ Liêm (Hà Nội), gần trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Đây được gọi là
“thủ phủ” của dân "đạo chích" chuyên hành nghề trên những chuyến xe bus. Mấy năm
qua, ông chủ T, bạn tôi phất lên cũng nhờ những món đồ mua với giá bèo bọt của
cánh móc túi này. Đáng lẽ đây là những câu chuyện mà T bảo "sống để bụng, chết
mang theo" nhưng vì mấy ly rượu nhạt, T đã trải lòng với tôi những mánh khóe của
dân móc túi hai ngón.
Hai kẻ móc túi (mũ đen, hướng chỉ mũi tên) tại điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy (Hà Nội)
Nói chuyện với tôi, T cho biết: "Ở khu vực này có hai nhóm móc túi chuyên nghiệp
hoạt động theo bang phái. Nhóm thứ nhất do thằng B. quê xã Tây Tựu, Từ Liêm, là
đại ca chuyên hoạt động trên xe bus số 29 (Giáp Bát - Tây Tựu - Tân Lập) còn
nhóm nữa là do thằng M. xoăn (Hà Tây cũ) cầm đầu chuyên "thầu" xe 32 (Giáp Bát -
Nhổn).
Ngoài ra còn những đạo chích lẻ tẻ, hoạt động một mình thì không đếm hết. Ông cứ
ra bến chờ xe bus đối diện với cổng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội mà xem, dân móc
túi đứng đợi xe bus còn nhiều hơn sinh viên. Cứ thằng nào trời không nắng cũng
đội mũ, mặc áo phông rộng, quần bò nhiều túi, trên tay thường cầm túi ni lông
màu đen thì 80% là dân đạo chích. Thậm chí, nhiều nhóm còn thu nạp thêm cả con
gái chuyên áp sát, móc túi những nữ hành khách mà ít bị nghi ngờ".
T. còn cho biết, hai nhóm này tuy hoạt động giáp mặt nhau nhưng chưa bao giờ xảy
ra va chạm. Bởi các tuyến xe bus, lãnh thổ di động đã được quy định từ trước nên
không có chuyện "nước sông phạm nước giếng". Mỗi nhóm khoảng từ 10 - 20 đứa. Khi
ở bến đợi xe bus chúng không bao giờ nói chuyện, đứng gần nhau.
Thủ đoạn táo tợn
Hiện nay, nhiều người sững sờ về độ trắng trợn của dân đạo chích. Khi móc được
ví, nhiều tên còn thản nhiên đứng tại chỗ đếm tiền rồi ném ví xuống đường. Thậm
chí, khi đang móc đồ, bị phát hiện, tên móc túi còn đứng im nhìn chằm chằm nạn
nhân mà không chịu bỏ chạy. Cũng có nhiều trường hợp vạ miệng, bị đánh hội đồng
khi ai đó dám hò hét cảnh báo khi bọn móc túi đang "tác nghiệp".
Nhiều nạn nhân sau khi xuống xe bus, giật mình khi túi đồ của mình bị rạch từ
bao giờ. Nhiều khách hàng còn bị rạch túi quần mà không hề hay biết. Thực ra, ở
trên người mỗi đạo chích đều được trang bị một chiếc dao được chế từ dao lam và
một chiếc cán nhỏ. Bọn móc túi thiết kế cho chiếc mũi dao chỉ dài khoảng gần 0,5
cm. Bởi như thế khi rạch túi quần, dao chỉ vừa qua lớp vải chứ chưa thể chạm đến
da nên nạn nhân rất khó phát hiện.
Theo T, tùy từng khu vực mà giới hai ngón lại có cách ngụy trang cho phù hợp. Ở
các bến đợi xe gần các trường ĐH thì cách ăn mặc của cánh này giống như sinh
viên, ở bến xe lớn thì chúng lại ăn mặc giống dân nhà quê đi làm ăn, còn đạo
chích ở gần các trung tâm thương mại như bến đợi trước cổng BigC thì ăn mặc theo
kiểu lịch sự. Khi một tên moi được ví, điện thoại ra khỏi người nạn nhân lập tức
tên móc túi nhanh tay chuyển về phía đằng sau cho đồng bọn đứng gần đó. Và cứ
như thế, những đồ ăn trộm ấy được chuyền đi chuyền lại đến người cuối cùng của
nhóm.
Đã có nhiều trường hợp nạn nhân vừa mất đồ lại bị đánh. Khi nhìn thấy tận tay
tên đạo chích thứ nhất móc điện thoại của mình, hô hoán lên để người khác giúp
đỡ và đòi khám túi quần của tên đó. Tuy nhiên, chiếc điện thoại ấy đã bị tắt
nguồn và chuyển cho đồng bọn.
Khi kiểm tra không có, chúng liền quay lại chửi mắng, đánh nạn nhân. Đây là
chiêu vừa ăn cắp vừa la làng của những tên đạo chích mà nhiều nạn nhân nghĩ đến
vẫn nổi da gà. Theo T, chỉ khi nào bắt được tận tay, day tận trán thì mới nên hô
hoán mọi người giúp đỡ. Còn để cho thủ phạm chuyển về phía sau thì coi như là
chịu mất. Càng thắc mắc càng bị đánh.
“Luật ngầm” của đạo chích
Được biết, cứ khoảng hơn một năm, thủ lĩnh các nhóm đạo chích lại "thay máu" cho
bang phái một lần. Nghĩa là, những tên móc túi được xếp vào hạng lão làng... già
cả sẽ bị sa thải để nhường chỗ cho lớp măng non. Bởi vì, những tên làm lâu năm
đã thành sói rồi sẽ có các mánh kiếm ăn một mình và hay ăn mảnh.
Có nghĩa là chôm được đồ thường giữ một mình, không chia chác cho đồng đội. Đây
là điều tối kỵ trong luật của giới đạo chích. Bởi khi các thành viên lấy được
bao nhiêu đều phải nộp cho đại ca để chia chác. T cho biết. Cũng có nhiều trường
hợp, phát hiện ra đồng bọn móc được đồ mà không nộp cho thủ lĩnh, nhiều nhóm móc
túi còn xảy ra xô xát ngay trước mặt nạn nhân vừa bị móc trộm.
Sinh viên B.V.T, khoa Cơ khí (ĐH Công Nghiệp Hà Nội) cho biết: "Dường như tất cả
những bọn móc túi ở địa bàn Hà Nội đều nhẵn mặt nhau. Hôm trước, em đã từng
chứng kiến, ở điểm chờ xe trước trường ĐH Công nghiệp Hà Nội còn xảy ra đánh
nhau như phim trưởng. Sau đó mới biết, nhóm móc túi ở Nhổn đánh đội móc túi ở
trên trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy khiến đội này phải bỏ chạy".
Nói chuyện với tôi, ông chủ cầm đồ T. cho biết, sau một ngày đi ăn hàng, buổi
tối cứ đến hơn 10h, các đối tượng móc túi lại tập hợp ở các tiệm cầm đồ để nộp
cho thủ lĩnh. Sau khi chia chác công bằng cho các thành viên, họ sẽ cùng nhau đi
ăn chơi đập phá. Được biết mỗi ngày, bình quân nhóm của M. “xoăn” kiếm được
khoảng trên dưới chục triệu đồng, còn ngày nào may mắn, cả nhóm có thể kiếm gấp
2 đến 3 lần.
Thủ lĩnh của các nhóm đạo chích là những tên giang hồ có số má, "mặt tiền án,
trán tiền sự”. Thủ lĩnh chỉ có nhiệm vụ ngồi quán nước gần đó quan sát đàn em
hoạt động, chỉ khi nào xảy ra sự cố như đàn em bị bắt tận tay hoặc có nhóm mới
xâm phạm lãnh thổ thì đại ca mới phải ra mặt để tìm cách giải quyết.
(Theo Người đưa tin)