Để có một một bao hàng từ đất Trung Quốc, rồi tuồn lậu trót lọt về Việt Nam là cả một chuỗi dài các công đoạn tách biệt, với sự góp sức của nhiều thành phần. Tôi gọi tổ hợp các thành phần ấy trong một danh từ chung: "Cỗ máy buôn lậu".


Trong cỗ máy này, cánh "con buôn" tuy chỉ là một mắt xích nhỏ, nhưng lại đóng vai trò quan trọng nhất, là khởi nguồn cho việc buôn hàng trốn thuế và tạo kế sinh nhai cho các thành phần còn lại ăn theo. Trong gần chục ngày bên nước bạn, tiếp xúc với đủ các thể loại "con buôn", từ lọc lõi đến ngu ngơ, tôi đã khám phá ra những luật lệ ngầm mà bất kỳ ai muốn tham gia "cuộc chơi" đều phải tuân theo...

Những chuyến xe chở đầy dân... buôn lậu

Tôi và Tâm được chiếc xe khách loại 24 chỗ đón ở đầu ngõ rồi vun vút chở lên Lạng Sơn theo hướng Quốc lộ 1. Trên xe chật kín người, hầu hết đã ở tuổi trưởng thành, khuôn mặt ai nấy đều toát lên sự lanh lợi, khôn ngoan, trừ sự lơ ngơ của hai đứa chúng tôi. Nghe cách họ rôm rả nói với nhau những câu chuyện buôn bán, tôi tự đoán biết, họ hẳn đều là những "con buôn" lõi đời.

Tâm ngồi cạnh tôi thiu thiu ngủ, tay ôm cứng chiếc túi đựng toàn bộ vốn liếng đã quy đổi ra tệ (1 tệ ~ 3.300 VNĐ) vào lòng, khẽ nem nép vào vai tôi. Mùi hương dìu dịu từ mái tóc của cô bạn cũ khiến tôi trào dâng thích thú. Tuy nhiên, cảm giác đó trôi qua rất nhanh để nhường chỗ cho sự căng thẳng. Tôi căng mắt ra cho khỏi buồn ngủ, thoáng hối hận vì đã khuyên Tâm không sử dụng dịch vụ gửi tiền đảm bảo của công ty Đ. như đã được khuyến cáo. Theo đó, để tránh những nguy cơ mất tiền dọc đường, công ty Đ. cho phép khách hàng gửi tiền mặt tại chi nhánh ở Việt Nam rồi sau đó sẽ nhận lại tại khách sạn của họ ở bên kia.

Đến khoảng 17h chiều, chiếc xe thả khách xuống gần cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) rồi mất hút vào bãi đậu. Đoàn người lục tục di chuyển để làm các thủ tục xuất nhập cảnh. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, chưa đầy nửa tiếng sau, chúng tôi đã chính thức đặt chân sang bên kia biên giới. Tôi chỉnh lại đồng hồ nhanh hơn một tiếng cho phù hợp với múi giờ của nước bạn. Rất nhanh chóng sau đó, tôi và Tâm được giục lên một chiếc xe bus loại nhỏ trở miễn phí về thị trấn Bằng Tường (cách cửa khẩu 20km). Cả lái xe và phục vụ đều là người Hoa, nhưng nói tiếng Việt khá tốt, nói rằng vì chúng tôi đi Quảng Châu bằng xe của hãng "nhà Phi" (1,5 triệu đồng/vé khứ hồi) nên được đi bus miễn phí, các hãng khác thì phải trả 10 tệ/người.

Con đường rộng và khá thoáng nên chỉ một chốc chúng tôi đã đến Bằng Tường. Xe bus thả chúng tôi ở một bến xe nhỏ ở trung tâm thị trấn, xung quanh có khá nhiều hàng quán. Một số sử dụng biển hiệu bằng tiếng Việt. Tại đây, nhiều người Trung Quốc có thể nói được lơ lớ tiếng Việt nhưng tại Quảng Châu thì hoàn toàn không. Chính vì vậy, với những người mới đi lần đầu và mù tịt tiếng Trung như chúng tôi, đất nước đông dân nhất thế giới cung cấp một dịch vụ dẫn đường kiêm phiên dịch gọi là: "Tai". Những người làm nghề "tai" nói tiếng Việt tốt và có nhiều ở Quảng Châu. Trước khi đi, khách sẽ chủ động liên lạc với "tai" để hẹn ngày giờ. Số liên lạc của những "tai" uy tín có nhan nhản trên các diễn đàn mạng.
Những chiếc xe bus loại nhỏ sẽ đón khách để đưa về TT Bằng Tường

Chúng tôi có gần một tiếng để tự túc ăn uống trước khi chuyến xe khởi hành vào lúc 20h. Tất cả hành lý của khách đều được dán mã số, nhà xe giữ miễn phí ngay trong phòng chờ. Được biết, nhu cầu đi Quảng Châu của khách Việt là rất đông nên tại bến xe có tới 5 -7 hãng cùng chạy tuyến đường này. Mỗi tối, mỗi nhà xe có 2-3 chuyến xe xuất bến từ Bằng Tường, đến Quảng Châu vào đầu giờ sáng và ngược lại từ Quảng Châu về cũng trong đêm để tiết kiệm thời gian cho người buôn hàng. Xe có sức chứa 40 giường nằm nhưng luôn chật kín. Vì vậy quãng đường gần 900km từ Bằng Tường về Quảng Châu, đối với nhiều người buôn hàng gần hơn rất nhiều vì chỉ vừa bằng một giấc ngủ.

Chạm mặt những "bà trùm"... hàng nhái

Chúng tôi đến Quảng Châu vào 6h30' sáng, dừng chân tại bến xe Việt Tú Nam. Ngoài trời lạnh và vẫn tối om, nhưng người "tai" của chúng tôi, anh Trương Thế Lục (SN 1966) đã chờ sẵn tại cổng bến, nhanh chóng đưa chúng tôi về khách sạn Đ. trên đường Giải Phóng Bắc. Tiền thuê anh Lục là 250 tệ/ ngày, bao gồm các dịch vụ dẫn đường, tìm mối hàng, phiên dịch và trợ giúp trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Khách sạn Đ. khá đông khách, chủ yếu phục vụ người Việt qua đi buôn. Là một lựa chọn khá, tuy nhiên khách sạn Đ. chưa phải là tốt nhất với những "con buôn" giàu kinh nghiệm. "Quảng Châu rộng nên một khách sạn tốt, ngoài việc giá cả và chất lượng tốt, còn phải gần các mối hàng để khách tiết kiệm triệt để chi phí đi lại", anh Lục cho biết.

Trong mấy phút ngồi ở sảnh chờ đợi Tâm chuẩn bị, tôi kịp bắt chuyện với Triều và Chương, là bạn của nhau cùng từ Việt Nam qua "đánh" hàng nhưng mỗi người một mảng. Trong khi Triều nhập hàng phụ tùng ô tô cho gara của gia đình, thì Chương đánh hàng thời trang cho shop riêng của mình. "Mỗi tuần tôi đi một lần, mỗi lần "đánh" về cả chục bao hàng. Tôi ở đây vì gần chợ phụ tùng và do quen mối hàng, nên được giá ưu đãi hơn. Trước đó là công việc của bố tôi. Nhưng tôi vừa ra trường rồi, đang trong thời gian chờ việc nên đi phụ giúp", Triều chia sẻ.

Theo lời người thanh niên vốn là cử nhân luật này, việc buôn bán khiến cậu kiếm được khá nhiều tiền. Nay cậu đang chờ thời cơ để "chạy" vào một cơ quan nhà nước hòng lấy địa vị, việc buôn bán vẫn sẽ diễn ra bình thường. Còn Chương, được biết cậu ta cũng mới đi buôn được khoảng hơn một năm nay. Quy mô shop vừa phải nên khoảng hai tháng, Chương mới đi Quảng Châu một lần và mỗi lần cũng chỉ "đánh" về dăm bảy bao hàng. Theo chia sẻ của cả hai, sau một vài lần đầu cần "tai" đưa đường chỉ lối, cho đến bây giờ, đôi bạn đều đã thành "ma" cả vì thông thuộc hết ngõ ngách và cũng nắm bắt được những mối hàng giá tốt.

Ngoài hai thanh niên trẻ đến từ Hà Nội, tiền sảnh lúc ấy còn lố nhố khoảng hơn chục người Việt nữa đang trong dáng vẻ tất bật của người chuẩn bị đi chợ, chưa đầy một nửa trong số ấy cần đến "tai". Họ nói chuyện với nhau khá thân thiện, bằng đủ các thứ tiếng Bắc, Trung, Nam.

Đặc biệt, theo lời Chương, trong đó còn có không ít bà "trùm" thời trang đình đám. Chuỗi cửa hàng của chị ta rất có tiếng, bán giá "cắt cổ" nhưng vẫn nườm nượp khách đến mua vì được tiếng là... hàng hiệu (mặc dù rõ ràng chị ta đang ngồi ở đây, giữa thành phố Quảng Châu để nhập hàng Trung Quốc). "Thành bại của một người đi buôn ngoài việc đoán bắt nhu cầu thị trường còn phải biết được các mối hàng giá tốt. Khi đã biết được mối hàng rồi thì cứ thế mà đi, chỉ mất thời gian thôi chứ công việc rất đơn giản, chính vì vậy ai cũng có thể đi buôn được. Giới nghệ sĩ ở Việt Nam đi buôn hàng thời trang rất nhiều, đem uy tín của mình để làm uy tín cho cửa hàng, chứ thực ra toàn là quần áo Trung Quốc giả hàng hiệu", Chương khẳng định chắc nịch.

Tôi đang háo hức nghe chuyện thì Tâm xuống, xinh đẹp lạ lùng với phong cách thể thao và đầy khỏe mạnh. Khác với dáng vẻ điệu đà vẫn thấy, hôm nay Tâm búi tóc cao, mặc chiếc quần đen bó sát, đi giầy thể thao và vận lên mình chiếc áo phông rộng. Tôi bối rối nhìn Tâm rồi nghĩ miên man về những gì sắp tới. Để tiết kiệm chi phí, chính Tâm đề nghị chúng tôi sẽ ở chung một phòng có hai giường đơn. Tâm giải thích: "Đã buôn bán thì phải tính từng xu. Không thể lãng phí!". May mắn cho tôi, đúng lúc anh "tai" Lục cất tiếng giục chúng tôi sớm lên đường, bởi Chợ 13 bán quần áo chỉ mở cửa buổi sáng...

Quy tắc số 1: Tuyệt đối không hỏi nhau mối hàng

Trên đường đi từ khách sạn đến khu buôn bán, chúng tôi gặp khá nhiều người Việt. Tất thảy họ đều khá nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi về các kinh nghiệm cần có để buôn bán bên xứ người. Tâm vui lắm, xoắn lấy hỏi han và thậm chí không ít lần buột miệng hỏi về các mối hàng. Câu chuyện đang vui vẻ bỗng nhiên lắng lại, chỉ còn sự lãnh đạm giữa những người bạn mới. Một vài ngày tiếp đó, sau nhiều lần va vấp tương tự, chúng tôi tự nghiệm ra một nguyên tắc: Người Việt có thể chia sẻ với nhau mọi thứ, trừ mối hàng. Làm như vậy chẳng khác gì tự tuyên chiến và triệt đường sống của nhau. Và kể cả với "con buôn" các nước khác, quy tắc này vẫn luôn phải được tôn trọng số 1.
(Theo NĐT)