- "Nếu được, nên tạm dừng Luật Thủ đô để đầu tư tập trung làm cho ra ngô ra khoai, để có một cẩm nang cho chính quyền thủ đô sau này cứ thế mà làm" - Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói tại phiên thảo luận sáng nay (15/2) ở Ủy ban Thường vụ QH.

Chưa thấy rõ điểm đặc thù

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật thủ đô, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh yêu cầu các cơ chế, chính sách cho Hà Nội phải thực sự đặc thù, không những giải quyết được các vấn đề của Thủ đô mà pháp luật hiện hành chưa quy định, đồng thời chứng minh được tính hiệu quả.

Tuy nhiên Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại thấy trong dự luật có những điều chưa thể hiện rõ cơ chế đặc thù về phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo tồn và phát triển văn hóa, quản lý nhà ở, giao thông vận tải…

“Các luật hiện hành đã tạo điều kiện cho chính quyền thành phố quyết định những vấn đề này, có cần đưa vào luật  không?”, bà Mai băn khoăn. 

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nguyễn Đăng Vang thì cho rằng các cơ chế đặc thù sẽ động chạm đến các luật khác. Ông Vang nghĩ Hà Nội không nên có cơ chế đặc thù mà nên tạo môi trường mở để tất cả mọi người phát huy tiềm năng.

“Như đất nước Việt Nam có đặc thù gì đâu mà thế giới vẫn tìm đến đầu tư, là vì đất nước ta đang mở cửa nền kinh tế”, ông Vang nhận định. 


Ông Vũ Hồng Khanh: Các điểm đặc thù của thủ đô trong dự luật rất “rõ ràng, khả thi, không hề chung chung”. Ảnh: Phạm Hải
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, để tìm ra các điểm đặc thù cho thủ đô, ban soạn thảo đã chuẩn bị các văn bản công phu, rõ ràng, đưa ra trước nhiều hội thảo để lấy ý kiến chính quyền, các nhà khoa học, đại diện nhân dân, các bộ ngành… và thống nhất đưa vào dự luật những điểm rất “rõ ràng, khả thi, không hề chung chung”.

Ông Khanh dẫn chứng các cơ chế đặc thù trong dự luật về tiêu chí chất lượng giáo dục bậc cao, về phát triển khoa học công nghệ là để Hà Nội có điều kiện hơn trong việc đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài.

Phải công bằng với dân nhập cư 

Một điểm được các thành viên Thường vụ QH quan tâm là các quy định trong dự luật về việc siết chặt các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội. Theo đó, người nhập cư phải tạm trú liên tục ít nhất 3 năm, có nhà ở và việc làm hợp pháp…, nhằm hạn chế áp lực dân số.

Bà Trương Thị Mai cho rằng đó chỉ là các biện pháp hành chính nhưng lại tỏ ra phân biệt đối xử về mặt chính sách với những người lao động, dù chỉ là giản đơn, phổ thông, đang góp phần vào sự phát triển kinh tế Thủ đô.

Bà Mai cho rằng lao động nhập cư có thể không đăng ký hộ khẩu nhưng con cái họ phải có đầy đủ quyền học hành, chăm sóc sức khỏe.  

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng nhận định rằng các biện pháp hành chính để hạn chế dân cư sẽ không có tác dụng.

“Cho đăng ký hay không thì những người có nhu cầu vẫn sẽ đến và ở lại Thủ đô. Nhiều gia đình ngoại tỉnh có con học ở thành phố, bố mẹ đều lên thành phố ở nhà thuê, tìm việc dù chỉ là làm thuê hay bán hàng rong nhưng có thể kiếm tiền cho con đi học, vì ở quê họ không thể kiếm đủ tiền. Rõ ràng họ có những điều kiện cư trú hợp lý và cần thiết”, bà Thu Ba nói.

Ông Vang cũng lo lắng, “các quy chế, thủ tục rườm rà sẽ khiến người dân đăng ký khó khăn trong khi họ vẫn đổ về, Hà Nội sẽ lâm vào cảnh dân nhập cư ồ ạt nhưng không biết họ là ai, ở chỗ nào, không thể quản lý được”.

Cũng vì vậy, bà Thu Ba nhận định quy định như trong sự luật “nói là chặt mà không chặt”, không đạt được mục đích quản lý cư trú.

Khắc phục tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch 

Dự luật đưa ra lần này nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, có sự phối hợp của UBND thành phố, tổ chức lập quy hoạch, rồi trình Thủ tướng phê duyệt sau khi QH cho ý kiến.

Tuy vậy, theo Chủ nhiệm UB Dân tộc Ksor Phước, quy định như vậy chưa rõ ràng về trách nhiệm. “Như thế này thì rất khó kiểm điểm Hà Nội, HĐND thành phố có sai phạm sau này cũng khó nói, vì các quyết định về quy hoạch đều liên quan đến QH và Chính phủ”.

Theo ông, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương, chứ “việc gì Thủ tướng cũng duyệt cả thì Chủ tịch thành phố làm gì?”.

“Chúng ta đang nói cải cách thế chế là khâu đột phá thế, thế mà dự luật này lại làm chồng chéo, tầng tầng nấc nấc, không rõ trách nhiệm của thành phố và nhà nước”, ông Vang nhận định.


Ông Nguyễn Văn Thuận: Các cơ chế, chính sách cho Hà Nội phải thực sự đặc thùẢnh: LAD
Ông Nguyễn Văn Thuận thì chia sẻ quy định như vậy là nhằm khắc phục lối tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch, để thực sự có được một quy hoạch có căn cứ pháp lý lâu dài, không để chuyện lãnh đạo này lên thích chỗ này, lãnh đạo khác lên thích chỗ khác, mà câu chuyện mở rộng Hà Nội là một ví dụ điển hình.

“Vì vậy cần có một cơ quan cấp trung ương quyết định trung tâm hành chính của đất nước nằm ở đâu, để hàng trăm năm sau không cần bàn đến chuyện đó nữa”, ông Thuận nói.

Cũng vì vậy mà ông Thuận bày tỏ tâm tư thật lòng rằng “nếu được, nên tạm dừng luật này để trong nhiệm kỳ này đầu tư tập trung làm cho ra ngô ra khoai, để có một Luật Thủ đô thực sự là cẩm nang cho chính quyền thủ đô sau này cứ thế mà làm”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội.

“Các cơ chế chính sách được quy định trong các luật hiện nay chưa phù hợp với vị thế của Thủ đô, cần có một đạo luật cho phép Thủ đô vượt qua khuôn khổ của các luật hiện hành nhưng không trái Hiến pháp và phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô”, ông Lưu nói.

Thủy Chung