Bạn có nhiều khả năng chết vì ăn cơm hơn là trong một vụ tai nạn máy bay. Điều đó đang được các số liệu thống kê khẳng định. Bởi tỷ lệ xảy ra một tai nạn chết người trên máy bay chỉ là 1/2,5 triệu.
Và một nửa số vụ tai nạn đó xảy ra trong một giai đoạn rất ngắn của chuyến đi. Bạn có muốn biết khi nào mình nên lo lắng nhất trên chuyến bay tiếp theo hay không?
Cất cánh và hạ cánh được coi là những phần nguy hiểm nhất của chuyến bay. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần. Boeing đã thống kê và theo dõi các vụ tai nạn máy bay thương mại gây tử vong hàng năm và phân loại những tai nạn đó khi chúng xảy ra trong chuyến bay.
Giai đoạn chuẩn bị, cất cánh và đưa máy bay lên không trung chỉ chiếm thời gian khoảng 2% toàn bộ chuyến bay, nhưng nó gây ra tới 14% các vụ tai nạn chết người. Con số này có vẻ như không nhiều, nhưng nếu so sánh với phần còn lại - quãng thời gian dài trên không trung - thì chỉ có 11% tai nạn chết người xảy ra trong đoạn này.
Cuối cùng là giai đoạn hạ cánh. Chúng chiếm khoảng 4% thời gian một chuyến bay trung bình, dài gấp đôi thời gian cất cánh. Nhưng có tới 49% các vụ tai nạn chết người xảy ra trong khoảng thời gian ngắn này, khiến cho việc hạ cánh là phần nguy hiểm nhất của một chuyến bay.
Vậy chuyện gì đang xảy ra ở đây?
Vấn đề nằm ở thời gian. Khi máy bay cất cánh và đặc biệt là hạ cánh, các phi công không có nhiều thời gian để phản ứng với các sự cố bất ngờ.
Nếu đang ở trên không, với độ cao hàng km so với mắt đất, một phi công sẽ có thời gian và không gian vô cùng nhiều để sửa chữa các sai lầm. Thậm chí ngay cả khi cả hai động cơ đều bị ngắt, máy bay cũng sẽ không rơi thẳng xuống đất. Thay vào đó, nó trở thành một chiếc tàu lượn. Ở trạng thái này, một chiếc máy bay thông thường mất khoảng một 1,6 km độ cao cho quãng đường di chuyển gấp 10 lần như vậy. Do đó, phi công có nhiều thời gian, ít nhất là 8 phút để tìm chỗ hạ cánh.
Nhưng nếu vấn đề xảy ra trên mặt đất, khoảng thời gian để xử lý là rất ít. Đối với một máy bay thương mại thông thường, thời gian cất cánh chỉ kéo dài 30 đến 35 giây. Nếu một động cơ bị hỏng hoặc thiết bị hạ cánh bị kẹt, phi công gần như không có thời gian để quyết định có nên cất cánh lại hay cố gắng vật lộn với một "con thú kim loại" nặng cả trăm tấn. Hủy bỏ việc cất cánh là việc rất hiếm.
Khi máy bay đang tăng tốc trên đường băng, với tốc độ hơn 160 km/h, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Các quy tắc vật lý sẽ không cho phép nó bị dừng lại một cách dễ dàng. Nếu chưa kịp cất cánh hoặc hủy bỏ việc cất cánh vào thời điểm này, máy bay sẽ vượt ra ngoài đường băng, đâm vào bất cứ thứ gì chắn trước mặt. Một số sân bay có hệ thống "bắt giữ", giúp hãm máy bay trong trường hợp này, nhưng không ai muốn thử hoặc có thể đảm bảo mọi việc sẽ như ý muốn.
Còn khi hạ cánh, tốc độ máy bay đã được làm chậm lại, nhưng đó cũng là thời điểm nguy hiểm nhất. Bởi bất kỳ ảnh hưởng của gió hoặc thứ gì tương tự cũng có thể can thiệp vào máy bay gây mất cân bằng, và ảnh hưởng mạnh hơn rất nhiều so với khi cất cánh.
Để có thể hạ cánh, phi công cần liên lạc với kiểm soát không lưu, được chỉ dẫn đường băng thích hợp. Một cuộc hạ cánh bình thường sẽ không hoàn thành cho tới giây cuối cùng, bởi bất cứ thứ gì xảy ra cũng có thể dẫn tới tai nạn. Đó có thể là chướng ngại vật trên đường băng, nổ lốp, va chạm với máy bay khác...
Thống kê có thể đáng sợ, nhưng các nhà khoa học vẫn khẳng định bay là cách an toàn nhất để đi du lịch. Và ngay cả khi tai nạn xảy ra trên chuyến bay tiếp theo, bạn vẫn sẽ có 95,7% cơ hội sống sót. Nếu không có gì để bám víu tinh thần, vậy hãy tin tưởng vào số liệu.