- Có phải công chức nào cũng vì lương thấp mà tiếp tay “tham nhũng vặt”, “túng là làm liều”? - ủy viên UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá nêu.
>> Diễn đàn tôi muốn sống bằng lương
Có người giàu vẫn tham...
Ngày thứ hai của hội thảo về lương do UB Các vấn đề xã hội QH tổ chức (17-18/5) ở Hà Nội, ông Jairo Acuna-Alfaro, chuyên gia về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP, đưa ra các số liệu cho thấy việc thu nhập của cán bộ, công chức thấp hơn khu vực doanh nghiệp dẫn đến hậu quả xấu.
Theo ông Jairo, lương quá thấp, không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, khiến công chức phải tìm những nguồn thu nhập “không chính thức” khác. “Nguồn thu này không phải lúc nào cũng trái luật, nhưng làm họ sao nhãng nhiệm vụ chính, giảm năng suất lao động”, chuyên gia UNDP nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi. Ảnh: Chung Hoàng |
Kết quả khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2011 (PAPI) công bố gần đây cho thấy nhiều người dân đến với dịch vụ công, từ đất đai, giáo dục đến y tế, đều phải “lót tay”, “bôi trơn” cho cán bộ, công chức. Xin việc vào các cơ quan nhà nước cũng không dễ dàng nếu không có quan hệ, quen biết.
Các khảo sát gần đây trên báo VietNamNet cũng ghi nhận tỉ lệ cao các công chức thừa nhận do thu nhập không đủ trang trải, họ phải tìm việc làm thêm ngoài cơ quan hoặc nhận hối lộ, quà cáp từ người dân và doanh nghiệp. Họ cũng thừa nhận khu vực công đem lại nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Nhưng có phải công chức nào cũng vì lương thấp mà tiếp tay “tham nhũng vặt”, hay “có phải cứ túng là làm liều” như ĐBQH Nguyễn Thị Khá, ủy viên UB các vấn đề xã hội, nêu vấn đề.
“Có những người giàu vẫn tham những khoản hối lộ, biếu xén nhỏ, có người nghèo vẫn không nhắm mắt đưa chân”, bà Khá nói.
Chuyên gia UNDP chỉ ra câu hỏi của bà Khá đã tự nó trả lời: lương thấp không phải nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng.
Vậy giải pháp có phải chỉ là tìm cách tăng lương?
Không thể cải cách theo cách cũ
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH, cho rằng sau 20 năm cải cách tiền lương, không thể cứ kéo dài mãi cách điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu.
“Cứ tăng lương tối thiểu, những bất cập, hạn chế về lương chỉ càng tăng lên và dồn nén lại, ngày càng khó giải quyết”, ông Lợi nói và cho rằng đề án cải cách lương nếu không có cách làm khác với cách đây 20 năm thì không nên làm.
Ông Lợi cũng không đồng ý với mục tiêu “công chức sống bằng lương ngang mức trung bình khá của xã hội”. “Mức sống trung bình của 88 triệu dân ta hiện chỉ khoảng 1 triệu đồng, trung bình khá không thể quá 2 triệu, công chức, những người lao động quản lý xã hội và làm ra chính sách, có trình độ, mà chỉ sống như thế thì rất gay”, ông Lợi nói.
Theo ông, cần mạnh dạn xác định mục tiêu “lương bình quân của công chức phải cao hơn lương bình quân của người lao động trong khu vực doanh nghiệp”.
Muốn làm vậy, theo ông Lợi, cần tách bạch rõ ràng các đối tượng hưởng lương ngân sách để không nhập nhằng giữa lương trả cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức…
Ông Lợi cũng cho rằng nên tinh giản 40% bộ máy hiện nay. Chia sẻ quan điểm này, ông Jairo chỉ ra Việt Nam đã có quy định công chức bị đánh giá là không hiệu quả 2 năm liền sẽ bị loại khỏi hệ thống, nhưng chưa được thực hiện trong thực tế.
Một việc nữa cũng được bàn suốt 20 năm qua mà chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa triệt để là làm rõ chức năng, nhiệm vụ và mô tả công việc cụ thể đối với từng vị trí công chức. “Phải chăng làm rõ những điểm này sẽ hạn chế những khoản thu nhập thêm không chính thức nên người ta ngại làm” - chuyên gia UNDP băn khoăn.
Qua đó, ông Jairo nhấn mạnh lại quan điểm cải cách lương công chức không phải là chuyện “bao nhiêu phần trăm ngân sách chi cho lương” mà là chuyện hiệu quả sử dụng số ngân sách này.
Chung Hoàng