Lap rap.jpg
Công nghiệp phần cứng đẩy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng vọt nhưng giá trị đem lại cho kinh tế Việt Nam rất thấp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> Intel và Samsung đẩy xuất khẩu VN tăng vọt, nhưng ít đem lại giá trị kinh tế / Cannon, Samsung muốn dùng linh kiện điện tử "made in Việt Nam" / Nghịch lý ngành công nghiệp phần cứng Việt Nam / Gia công phần mềm giúp doanh nghiệp vượt "bão" khủng hoảng / “Đại gia” Mỹ tín nhiệm doanh nghiệp phần mềm Việt

Phần cứng: Doanh thu "khủng", giá trị kinh tế cực thấp

Như ICTnews đã đưa tin, tại buổi họp báo công bố Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013 mới đây, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết năm 2012, công nghiệp phần cứng, điện tử đạt trên 23 tỷ USD doanh thu, tăng trưởng 103,2% so với năm trước và chiếm tới 90,4 % tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Tuy nhiên, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam của lĩnh vực phần cứng, điện tử chỉ đạt 5 - 10%.

Trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khẳng định con số giá trị gia tăng 5 - 10% như vừa nêu vẫn quá lớn. Thực tế, giá trị đem lại cho nền kinh tế Việt Nam của công nghiệp phần cứng chỉ khoảng 1 - 2%.

"Với các doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò chủ chốt như Samsung, Intel, Canon,.. toàn bộ linh kiện phần cứng, điện tử vẫn nhập khẩu từ nước ngoài về lắp ráp tại Việt Nam, chủ yếu chỉ tạo công việc phổ thông với mức lương thấp cho lao động Việt Nam. Những khâu liên quan phát sinh giá trị kinh tế cho các công ty Việt Nam chỉ là làm vỏ xốp, hộp giấy, hoặc quyển sách giới thiệu sản phẩm.... Nhìn chung, các doanh nghiệp phần cứng - điện tử như Samsung, Intel, Canon... chỉ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến, còn giá trị đem lại cho kinh tế Việt Nam rất thấp. Với các doanh nghiệp phần cứng, điện tử nội địa thì mấy năm vừa rồi đều lỗ, doanh thu âm nên giá trị kinh tế đem lại cho kinh tế vẫn là con số 0", bà Giang phân tích.

Cũng cho rằng con số giá trị gia tăng của công nghiệp phần cứng đạt 5 - 10% là quá lớn so với thực tế, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam nhận định: "Phần việc có thể tạo giá trị gia tăng tốt cho kinh tế Việt Nam là công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI "kễnh", nhưng hiện tại, chúng ta đang mất thị trường ngay trên sân nhà, trong khi các nước xung quanh như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã tận dụng được cơ hội này".

"Dù rằng doanh số của ngành công nghiệp phần cứng, điện tử rất cao, nhưng chủ yếu chỉ là công nghiệp lắp ráp đơn giản nên giá trị đem lại cho lao động Việt Nam thấp, trung bình lương cho lao động phổ thông làm cho các doanh nghiệp phần cứng, điện tử chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nhìn vào thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013, thì lương bình quân của lĩnh vực phần cứng chưa bằng 1/2 mức lương bình quân của lĩnh vực phần mềm - nội dung số", ông Long phân tích thêm.

Phần mềm: Doanh thu "khiêm tốn", giá trị gia tăng cao

Theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2013, doanh thu của công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2012 đạt 1,208 tỷ USD, chỉ tăng 3,1% so với năm 2011, còn doanh thu của công nghiệp nội dung số đạt 1,235 tỷ USD, tăng 6% so với năm trước. Cộng cả doanh thu của công nghiệp phần mềm với công nghiệp nội dung số thì cũng chỉ gần bằng 1/10 doanh thu của công nghiệp phần cứng. Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Thu Hương, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam của lĩnh vực phần cứng, điện tử thấp hơn nhiều so với giá trị gia tăng của lĩnh vực phần mềm.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ: "Một phần mềm được ứng dụng trong thực tế có thể tạo ra nhiều giá trị khác như tăng hiệu suất, tăng hiệu quả quản lý... Ước tính giá trị gia tăng đem lại cho kinh tế Việt Nam của các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm đạt khoảng 25 - 35%. Với các doanh nghiệp làm phần mềm phục vụ thị trường nội địa thì giá trị gia tăng có thể lên tới 45 - 55%".

Còn theo ông Nguyễn Long, "trong lĩnh vực phần mềm, 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp Việt, hầu hết doanh thu đều "ở lại" Việt Nam chứ không "đổ" ra nước ngoài. Giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế Việt của công nghiệp phần mềm là giúp người Việt tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ tiến tiến để cải thiện đời sống. Ngoài ra, có thể thu ngoại tệ về cho đất nước thông qua hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm, và "lấy" được tiền của doanh nghiệp nước ngoài (ví dụ Nhật Bản) trả cho nhân lực chất lượng cao Việt Nam (trung bình khoảng 1.500 USD/người/tháng)".