Ai đó có thể chỉ mất 10 phút để lướt qua hồ sơ cá nhân trên Facebook của bạn và đoán được bạn sẽ thể hiện như thế nào ở công sở.

TIN BÀI KHÁC

Những status vô tâm của giới trẻ




Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Tâm lý học xã hội ứng dụng, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một giáo sư đại học và 2 sinh viên dành ra 10 phút để đọc lướt qua hồ sơ Facebook của những sinh viên đại học đã có việc làm.


Sau đó, họ được hỏi một lọat những câu hỏi liên quan đến tính cách của các sinh viên này, ví dụ như có đáng tin cậy không hay có ổn định về mặt tình cảm không.


6 tháng sau, các nhà nghiên cứu đã thu được đánh giá về những sinh viên trên và so sánh với đánh giá của Facebook trước đó.


Kết quả cho thấy có một mối tương quan cao giữa những đánh giá được suy ra từ hồ sơ Facebook và sự thể hiện của họ ở cơ quan.


Những đánh giá qua Facebook được xác nhận là chính xác hơn bài kiểm tra tính cách truyền thống mà các công ty thường dùng để đánh giá nhân viên tiềm năng.


Một trong các nhà nghiên cứu – ông Donald Kluemper chia sẻ với tờ Baltimore Sun: “Tôi cho rằng một trong những khác biệt là bạn thay đổi khung tham chiếu. Bạn sẽ hỏi người đánh giá rằng: “Người này có phải là một nhân viên chăm chỉ không?”. Trong một bài kiểm tra tính cách, nhân viên sẽ được hỏi: ‘Bạn chăm chỉ đến mức nào?’ Một trong những hạn chế của bài kiểm tra tính cách tự khai là nó có thể bị khai giả. Trên một trang Facebook, làm điều đó khó hơn nhiều”.


Kết quả của nghiên cứu đặt ra vấn đề cho những kiểu bài kiểm tra tính cách mà đội ngũ nhân sự vẫn sử dụng để đánh giá các ứng viên trong nhiều năm qua.


Nếu một đánh giá chỉ mất 10 phút là tất cả những gì phải làm để tìm ra nhân viên giỏi thì tại sao tất cả các ông chủ lại không làm điều đó?


Khoảng 70% nhà tuyển dụng và đội ngũ nhân sự đã từ chối một số ứng viên sau khi họ thấy những thông tin tiêu cực về họ trên các trang như Facebook.


Tuy nhiên, điều thú vị trong nghiên cứu này là nó không chỉ tập trung vào loại thông tin sẽ không loại ai ra khỏi một vị trí.


Nó vẫn tập trung vào những điểm tính cách tích cực mà các nhà tuyển dụng muốn có ở một nhân viên, ví dụ như người đó có hòa đồng, tò mò, hài hước hay có những sở thích thú vị không.


Những bức ảnh chụp sinh viên tham gia các họat động bên ngoài hay tiệc tùng không phải lúc nào cũng bất lợi cho họ, thậm chí đôi khi còn ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng, vì nó cho thấy họ hướng ngoại và thoải mái trong hoạt động xã hội.


Khi ngày càng nhiều nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội để đánh giá ứng viên thì lại có thêm nhiều công ty có thể rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật.


Tính hợp pháp của việc sử dụng các trang như Facebook trong việc tuyển dụng thường chưa rõ ràng ở nhiều bang của Mỹ.


Đó là lý do tại sao nhiều nhà tuyển dụng thuê các công ty bên ngoài sử dụng thông tin Facebook để kiểm tra các ứng viên.


Các công ty này chỉ cung cấp cho nhà tuyển dụng những thông tin có thể được sử dụng một cách hợp pháp trong việc đánh giá nhân viên tiềm năng.


  • Nguyễn Thảo (Theo Time)