- “Tất cả các hạng mục của dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đều chậm so với tiến độ vài ba tháng, thậm chí có hạng mục còn chậm hơn nhiều” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt VN (Bộ GTVT) - chủ đầu tư dự án cho VietNamNet biết.
“Lụt” tiến độ vì mặt bằng!
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện một số đoạn, hạng mục công tác bàn giao mặt bằng của dự án đường sắt trên cao Hà Nội đang... rất chậm.
Cụ thể, Ga Cát Linh còn hơn 60 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do đang chờ tiền bổ sung từ nguồn đối ứng của Chính phủ để đền bù, dự kiến đến tháng 8 mới bố trí số tiền này.
Dự án đang được các nhà thầu khẩn trương thi công trở lại, nhưng nhiều hạng mục vẫn chưa thể thi công vì... vướng mặt bằng. |
Trụ đường sắt đi qua phường Thịnh Quang - Láng vẫn còn 16 hộ dân chưa đập phá nhà để đơn vị vào thi công dù đã nhận tiền đền bù, do Hà Nội chưa bố trí được nhà tái định cư cho các hộ trên.
Ngoài ra các hệ thống kỹ thuật như di chuyển đường điện cao thế, hạ thế, thông tin liên lạc, đường nước, cáp quang đến nay Hà Nội cũng chưa hoàn tất.
“Theo tiến độ chậm nhất đến tháng 3/2014 TP.Hà Nội phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Hà Nội cam kết tháng 8 sẽ hoàn trả mặt bằng sạch để thi công”, ông Hùng cho biết.
Về tiến đô thi công, ông Hùng khẳng định, tất cả các hạng mục của dự án đều chậm so với tiến độ vài 3 tháng, thậm chí có hạng mục còn chậm hơn nhiều.
Cụ thể, theo tiến độ đã điều chỉnh, đến tháng 12/2014 nhà thầu phải thi công xong hết lao dầm, cầu cạn không gian nhưng thực tế đến nay mới đúc được 206/806 phiến dầm.
“Hiện mỗi ngày nhà thầu đúc được 2 phiến dầm, nếu tính đúc 600 phiến dầm còn lại thì phải mất 10 tháng trong khi theo tiến độ chỉ còn 5 tháng... Đúc dầm chưa xong dẫn đến công tác lao, lắp dầm cũng dậm chân tại chỗ”, ông Hùng cho hay.
Ngoài ra nhà ga Cát Linh, là công trình nhà ga phức tạp, thời gian thi công lâu nhưng đến nay cũng chưa có mặt bằng.
Ông Hùng cũng tỏ ra lo ngại khi đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có sự ràng buộc theo Hiệp định vay vốn ưu đãi ODA Trung Quốc khi nước này quy định để họ thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế -cung ứng vật tư, thiết bị -xây dựng) là Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn và thi công.
Đây là hình thức mới mẻ ở Việt Nam và bản thân Tổng thầu Trung Quốc- nhà thầu chính chưa có kinh nghiệm về hình thức này trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
“Theo hình thức EPC thì khối lượng thiết kế cơ sở định lượng phải chính xác thì mới ra được khối lượng dự án. Nhưng ở đây, khối lượng, dự toán hợp đồng chỉ toàn tạm tính. Đến thời điểm này, thiết kế chưa hoàn chỉnh, chưa xong thì làm sao ra khối lượng toàn dự án”, ông Hùng cho biết.
Thay thế nhà thầu thi công không đảm bảo!
Theo ông Hùng, sau một thời gian dự án tạm dừng thi công, đến nay Tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp với Ban QLDA đường sắt để các nhà thầu phụ thi công, tháo gỡ vướng mắc dự án.
Tất cả các hạng mục của dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đều chậm so với tiến độ vài ba tháng |
Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc cử chuyên gia sang Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán đường sắt. Trên công trường tổng thầu cũng tiến hành triệu tập nhà thầu phụ, đẩy nhanh tiến độ.
Trong quá trình triển khai thi công dự án, các nhà thầu phụ thực hiện thi công không đảm bảo sẽ bị thay thế, đặc biệt đối những hạng mục thuộc đường găng tiến độ của dự án.
Ngày trong ngày 29/7 vừa qua, Ban QLDA đường sắt đã có đề nghị Tổng thầu thay thế 3 nhà thầu phụ, đồng thời không tiếp tục bố trí các đơn vị này thực hiện thi công bất cứ hạng mục nào của dự án.
Khi được hỏi bao giờ nào dự án hoàn thành, ông Hùng nhận định, công tác xây lắp nhà ga, đường tàu cuối 2015 sẽ xong.
Tuy nhiên, để đưa vào vận hành toàn tuyến khả thi nhất phải giữa năm 2016 do công tác đóng đoàn tàu mất tới 18 tháng trong khi hiện tại Tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa lựa chọn đơn vị đóng đoàn tàu.
Vũ Điệp