Tôi là F0 tự điều trị tại nhà, do gặp phải tình trạng sốt cao kéo dài nên thường uống 2 viên paracetamol/lần. Xin hỏi bác sĩ, sử dụng thuốc với liều thế nào là đúng quy định? Trường hợp quá liều, tôi có gặp hệ lụy nào về sức khỏe hay không? (Phương Tuyền, 23 tuổi, TP.HCM).
Trả lời VietNamNet, TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh và Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các khuyến cáo của Bộ Y tế đã nêu rõ, nếu bệnh nhân Covid-19 sốt trên 38,5 độ, có thể dùng paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng để hạ sốt. Khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4-6 tiếng.
Ví dụ, nếu cân nặng của bạn khoảng 50kg thì uống 1 viên nén paracetamol hàm lượng 500mg/lần. Nếu cân nặng cao hơn, khoảng 70-80kg, có thể uống 2 viên paracetamol 500mg/lần. Lưu ý, một ngày không nên uống quá 4 viên.
Đối với trẻ em sốt trên 38,5 độ, có thể cho bé uống paracetamol dạng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống, hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg. Nguyên tắc cũng là 10-15mg/kg/lần. Khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4-6 tiếng, ngày dùng không quá 4 lần.
Theo bác sĩ Điền, biên độ giữa liều điều trị đến liều độc của thuốc paracetamol khá rộng, nên người cơ địa bình thường phải dùng liều rất cao mới có thể xảy ra ngộ độc. Trường hợp sơ suất chồng liều, khoảng cách giữa 2 liều dày hơn không đáng kể so với khuyến cáo sẽ không quá nguy hiểm.
Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bệnh gan (như viêm gan mạn tính tiến triển) hoặc cơ địa mẫn cảm với paracetamol, dùng liều cao hơn khuyến cáo sẽ có nguy cơ ngộ độc paracetamol dẫn tới viêm gan, tăng men gan,…
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân Covid-19 khi dùng thuốc tự điều trị tại nhà cần tuân thủ theo liều đã được hướng dẫn.
Bên cạnh sử dụng paracetamol, người bệnh nên áp dụng thêm những biện pháp cơ học giúp hạ nhiệt, như lau mát cơ thể bằng nước ấm, lấy khăn ấm chườm, uống bù nước và điện giải, nới lỏng quần áo,… “Việc kết hợp nhiều biện pháp bên cạnh uống thuốc sẽ giúp hạ sốt hiệu quả”, bác sĩ Điền nhấn mạnh.
Thông thường, tình trạng sốt do mắc Covid-19 chỉ kéo dài từ 1-3 ngày. Khi sốt kéo dài quá lâu, bạn có thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn, bội nhiễm nấm hoặc mắc các bệnh lý khác kèm theo Covid-19.
“Nếu dùng thuốc paracetamol và áp dụng tất cả các biện pháp hạ sốt như đã khuyến cáo nhưng vẫn sốt dai dẳng, bệnh nhân cần liên hệ ngay với lực lượng y tế để được thăm khám và chăm sóc y tế kịp thời, không nên tiếp tục tự điều trị”, bác sĩ lưu ý.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Quỳnh Anh
Cách đo chỉ số SpO2 chuẩn cho trẻ mắc Covid-19
Theo bác sĩ Vũ, nếu trẻ quấy khóc, không ngồi yên sẽ dẫn đến chỉ số đo SpO2 không đúng.