Ngày 2/4, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến việc phân luồng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

z5286609395687 1de2f16ee175b6d06be7c6d4ee32aa2a.jpg
Hàng loạt vụ tai nạn xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn phần lớn do ý thức người điều khiển phương tiện. Ảnh: CTV

Theo đó, trên cơ sở góp ý của Phòng CSGT Công an tỉnh, Ban ATGT và các huyện, thị có quốc lộ 1A đi qua, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế có ý kiến không đồng ý phương án phân luồng, cấm xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc lưu thông trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn kể từ ngày 4/4.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước khi có cao tốc, số vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A chiếm tỷ lệ cao, số người chết hàng năm chiếm 48-50% trên tổng số toàn tỉnh. Sau khi cao tốc đưa vào khai thác sử dụng, tai nạn trên quốc lộ 1A giảm rất nhiều, hiện nay số người chết còn khoảng 18-20%.

Hiện nay, tuyến quốc lộ 1A qua tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài 113,3km, đi qua các đô thị Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, TP Huế và huyện Phú Lộc với quy mô 4 làn xe, trong đó có làn hỗn hợp xe thô sơ (xe máy, xe mô tô, xe đạp điện...) cùng tham gia.

vuot xe 5.jpg
Từ ngày 4/4, xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc bị cấm lưu thông trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Quang Thành

Giờ cao điểm, người và lưu lượng phương tiện tại các khu công nghiệp, khu dân cư ở trung tâm huyện lỵ tham gia giao thông lớn. Hơn nữa, có 46 trường học tiếp giáp dọc tuyến quốc lộ 1A, nên lượng học sinh khi đến trường và tan trường cũng rất lớn. Đặc biệt, học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi được đi xe dưới 50cc, chưa được đào tạo, hướng dẫn khi tham gia giao thông, gây nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất cao.

Qua rà soát, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 216 đường nhánh đấu nối với quốc lộ 1A, lưu lượng phương tiện tại các điểm giao cắt lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Qua thống kê cho thấy, nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan đến các ô tô tải, ô tô đầu kéo với xe mô tô, xe gắn máy.

Dọc tuyến có 2 bệnh viện, 8 chợ, 5 thị trấn với dân cư đông đúc, số lượng người đi bộ qua lại trên tuyến tại các vị trí này rất lớn, do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Số lượng phương tiện ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A qua tỉnh Thừa Thiên - Huế trên thực tế còn rất nhiều.

Ngoài ra, tuyến quốc lộ 1A qua các thành phố, đô thị hình thành tuyến đường tránh 2 làn xe với giao thông hỗn hợp dài 36km, không có dải phân cách cứng, không được tổ chức giao thông như tuyến cao tốc. Tuyến cũng được khai thác nhiều năm nên chất lượng đường xuống cấp.

Do đó, khi các phương tiện ô tô đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên tuyến đường tránh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao tai nạn hơn khi lưu thông trên tuyến cao tốc.

Việc phân luồng phải phù hợp với điều kiện thực tế

Cùng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho biết, sau khi nghiên cứu và qua theo dõi, kiểm tra, phân tích, đánh giá, Sở GTVT cho rằng quốc lộ 1A đoạn qua TP Đông Hà, trung tâm hành chính của tỉnh nhưng đến nay chưa có đường tránh.

z5307834284191 432881dc5339368314b1f02cacc68948.jpg
Tuyến QL 1A đi qua trung tâm TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) hàng ngày phải "gánh" hàng trăm lượt phương tiện lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: DL

Các phương tiện liên tỉnh phải đi qua trung tâm thành phố tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, nhiều vụ tai nạn làm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận.

“Từ khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác, đến nay đã giảm lượng lớn phương tiện lưu thông qua TP Đông Hà và quốc lộ 1A phía Nam của tỉnh, qua đó năm 2023 tỉnh Quảng Trị giảm cả 3 tiêu chí do tai nạn gây ra”, ông Sơn cho biết.

Từ thực tế này, Sở GTVT Quảng Trị kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, cập nhật các số liệu đảm bảo tính chính xác. Việc điều tiết phân luồng giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần dựa trên quy định hiện hành và các cơ sở pháp lý liên quan, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

“Trước mắt, đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông theo thiết kế và phù hợp tình hình thực tế”, ông Trần Ngọc Sơn kiến nghị.