Kết hôn đang là nỗi sợ của giới trẻ (Nguồn: Freepik) |
Áp lực từ việc kết hôn
Theo thống kê, tại Úc và New Zealand, cứ 7 phụ nữ thì có 1 người ở độ tuổi 45-49 chưa kết hôn. Còn ở Mỹ, khoảng 25% thanh niên hiện nay được dự báo có khả năng vẫn sẽ độc thân khi chạm ngưỡng 50 tuổi. Trong khi đó, tại Nhật Bản, khoảng 1/3 số phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn và nhiều khả năng 50% trong số họ sẽ sống độc thân cả đời.
Giới trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực (Nguồn: BBC THREE) |
Những số liệu trên cho thấy độc thân và tuổi kết hôn tăng cao đang là hiện tượng khá phổ biến trên toàn cầu. Ở Việt Nam, tuổi kết hôn trung bình lần đầu hiện nay là 25,2 (tăng 0,7 tuổi so với thập niên trước).
Theo đó, ưu tiên phát triển bản thân, chú trọng sự nghiệp, sợ thiếu tự do và trách nhiệm trong hôn nhân, lo lắng về việc nuôi dạy con cái, cũng như ảnh hưởng từ các câu chuyện đổ vỡ… là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ ngày càng không “mặn mà” với chuyện kết hôn.
Nữ giới gặp phải nhiều áp lực đến từ trách nhiệm chăm sóc gia đình hơn nam giới |
Chia sẻ về xu hướng sống độc thân của người trẻ, bạn Phương Đào (Hà Nội) cho hay: “Vì xã hội chưa bình đẳng, trách nhiệm của phụ nữ còn quá nặng nề, trong khi bản thân họ ngày càng vững vàng về kinh tế, có chỗ đứng trong xã hội thì dại gì mà “rước” cái cực vào thân. Nam giới lập gia đình chỉ lo làm kinh tế. Còn phụ nữ phải sinh đẻ, hy sinh sự nghiệp để chăm sóc con cái, hoặc vừa chu toàn gia đình vừa làm kinh tế, lại còn cảnh đi làm dâu. Nghe đã “hãi” nói gì lấy chồng.”
Nam giới đối mặt với áp lực tài chính và trụ cột gia đình (Nguồn: Brightside) |
Bạn Anh Thư - một bạn trẻ thuộc 9x cho hay “Nam giới phải đối mặt với áp lực tài chính đặc biệt nặng nề. Định kiến là đàn ông phải có công danh, sự nghiệp, phải là trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chãi cho vợ con, khiến nam giới khó tìm kiếm sự chia sẻ và cảm thấy ngột ngạt trong hôn nhân.”.
Có thể thấy, nam giới và nữ giới đều có những mối lo ngại khác nhau khi bàn đến chuyện kết hôn. Áp lực chủ yếu vẫn đến từ những định kiến giới về việc phân chia vai trò trong gia đình. Kết quả, giới trẻ cảm thấy hôn nhân là nơi phân định rạch ròi những trách nhiệm một cách thiếu sẻ chia và cảm thông, nơi họ sẽ đánh mất tự do và chỉ còn lại những ràng buộc bí bách.
Gỡ bỏ những định kiến
Nhiều ý kiến cho rằng, để hôn nhân đúng nghĩa là khởi đầu cho những trải nghiệm mới, điều quan trọng là gỡ bỏ những định kiến như “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thay vào đó, chồng cũng có thể làm nội trợ nếu họ muốn còn vợ vẫn có cơ hội phát triển sự nghiệp thành công. Từ đó, hôn nhân bền vững hơn khi chính những người trong cuộc được tự do lựa chọn vai trò trong gia đình của mình.
Đề cao sự sẻ chia và tôn trọng lẫn nhau để hôn nhân không còn “ngột ngạt” (Nguồn: Freepik) |
Còn theo ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc nên thẳng thắn về những mong mỏi của bản thân, cũng như tôn trọng lý lẽ của đối phương, cùng nhau san sẻ việc nhà và nỗi lo tài chính để tất cả mọi người đều có cơ hội được phát triển lành mạnh và bình đẳng.
Những định kiến giới về vai trò đã và đang hạn chế cơ hội phát triển lành mạnh của tất cả mọi người. Hướng đến nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, #ThuThachDoiGiay của Nhà Nhiều Cột đã được ra đời. Mọi người có thể thỏa sức sáng tạo với thử thách xỏ giày, và chia sẻ câu chuyện của bản thân cũng như những người xung quanh tại fanpage https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/ |
Tố Uyên