Dán xe không che được khuyết điểm
Nếu xe của bạn có nhiều vết lõm hoặc móp méo, việc bọc xe cũng sẽ không che được những điểm đó. Vì vậy, các vết lõm phải được sửa chữa trước thì khi dán xe mới đảm bảo không bị lộ. Nếu không, trong nhiều trường hợp, lớp dán có thể làm nổi bật thêm khuyết điểm của xe.
Lớp dán không bền
Mặc dù dán xe được làm bằng nhựa vinyl nhưng chúng không hoàn toàn bền. Chưa kể, việc dán xe cũng tùy thuộc vào điều kiện khí hậu trong khu vực của bạn và cách bạn bảo quản xe. Thường thì lớp dán vinyl có thể tồn tại chỉ một, hai năm nếu xe thường bị phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Còn nếu bạn đỗ xe trong nhà hoặc để xe dưới tấm che, lớp dán có thể kéo dài khoảng 4, 5 năm. Một phương pháp bảo quản khác là phủ gốm lên lớp dán. Làm như vậy màng dán sẽ bền hơn nhưng lại tốn thêm chi phí.
Tốn kém chi phí
Một số người cho rằng việc dán xe bằng nhựa vinyl là một giải pháp thay thế rẻ hơn so với việc sơn xe, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng.
Dán một chiếc ô tô có thể tốn từ vài chục triệu, thậm chí là cả trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ xe to hay nhỏ thì lớp dán cần nhiều hay ít.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phải thay màng dán sau vài năm, vì vậy việc tháo ra và dán lại cũng có thể gây tốn kém. Thêm nữa, phí dán xe cũng không hề nhỏ vì đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ.
Nguy cơ làm hỏng xe
Giấy dán ô tô có dạng cuộn lớn. Trong quá trình chuẩn bị dán thì thợ sẽ phải cắt lớp dán để vừa với các tấm thân xe. Tuy nhiên, nếu người thực hiện không cẩn thận, thiếu kinh nghiệm thì có nguy cơ để lại vết cắt trên xe.
Ngoài ra, khi tháo màng dán, bất kỳ tác hại nào của ánh nắng mặt trời đều có thể gây khó khăn cho việc tháo màng dán. Nếu lớp dán đã ở trên xe quá lâu, việc tháo ra có thể làm hỏng lớp sơn của xe. Còn nếu hơi ẩm bị giữ lại dưới lớp dán thì chiếc xe có thể bị gỉ sét.