Nhưng làm thế nào nhân tố Nga, từng là nguyên nhân hình thành liên minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ, lại đang định hình lại mối quan hệ giữa Washington và Ankara.
Ngày 6/6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Patrick Shanahan đã gửi một lá thư cứng rắn cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Bức “tối hậu thư” vạch ra một mốc thời gian để loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 nếu Ankara vẫn cố tình xúc tiến hợp đồng mua S-400. Washington lập luận rằng nếu được lắp đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống S-400 sẽ gây tổn hại tới công nghệ F-35.
Đáp lại các đe doạ trừng phạt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng việc mua S-400 là một thỏa thuận đã xong xuôi. Và trên thực tế, cuối tuần trước Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến này cho Ankara. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã bỏ ra khỏi cuộc họp với Tổng thống Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua.
Trong khi mối quan hệ Mỹ - Thổ đi xuống thì quan hệ Nga – Thổ lại đang đi lên. Nhưng làm thế nào nhân tố Nga lại đang định hình lại mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chương mới
Ngược dòng lịch sử thì chính mối đe dọa Liên Xô trước đây đã định hình liên minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Thông qua viện trợ kinh tế và quân sự, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã cố gắng ngăn Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô vào năm 1947. Nhưng thật trớ trêu, giờ đây, chính Nga lại có thể phá vỡ liên minh này.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua hệ thống tên lửa S-400, gió đã thực sự đổi chiều trong cả quan hệ Mỹ-Thổ lẫn Nga-Thổ.
Video toàn cảnh hệ thống S-400 đầu tiên được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Al-Jazeera):
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhanh chóng tăng cường quan hệ trên nhiều mặt trận trong những năm gần đây. Syria giống như cục nam châm mà Nga sử dụng để thu hút Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ bắt đầu giữa các bên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria đã vượt ra ngoài lãnh thổ nước này. Ít ai dự đoán rằng “mối tình” Thổ Nhĩ Kỳ-Nga có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng phức tạp chưa từng có của Syria. Tuy nhiên, cho đến nay, mối quan hệ đã tồn tại và thậm chí còn được cải thiện hơn nhiều.
Thực ra, những kỳ vọng tiêu cực ban đầu về tương lai của quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga không phải là vô căn cứ. Về mặt địa chính trị, hai nước nằm ở phía đối diện ở hầu hết các vấn đề trong khu vực ảnh hưởng chung của họ. Tương tự như vậy, các cấu trúc liên minh địa phương và khu vực của hai nước cũng có mục đích chéo nhau. Việc nhận ra tham vọng địa chính trị của Nga, đặc biệt là về phía Đông Địa Trung Hải, là một trong những yếu tố chính từng thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm tư cách thành viên trong các câu lạc bộ phương Tây khác nhau.
Vậy tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác với Nga?
Sự tham gia của quân đội Nga vào cuộc khủng hoảng Syria và vụ Thổ Nhĩ Kỳ sau đó bắn hạ một máy bay chiến đấu Nga vào mùa Thu năm 2015 là những bước ngoặt quan trọng. Kịch bản thay đổi chế độ ở Damascus đã không còn, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy ra khỏi “bàn cờ” Syria. Khi đó, Mỹ và phương Tây đã chấp nhận từ bỏ yêu sách thay đổi chế độ ở Syria, trong khi Đảng Công nhân người Kurd (PKK) liên minh với Lực lượng bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) nhanh chóng giành quyền kiểm soát lãnh thổ và ảnh hưởng chính trị ở Syria. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gạt mục tiêu thay đổi chế độ Tổng thống Syria sang một bên, hàn gắn quan hệ với Nga và tập trung vào việc kiềm chế lợi ích của người Kurd Syria.
Tổng tống Erdogan (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin tại Sochi, Nga tháng 9/2018 để bàn về vấn đề Syria. Ảnh: Al-Jazeera |
Sự chuyển hướng này đã được đền đáp. Với sự chấp thuận của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động quân sự ở Tây Bắc Syria, đẩy dạt lực lượng YPG sang phía Đông sông Euphrates.
Tuy nhiên, vấn đề Syria không phải là yếu tố duy nhất hình thành nên quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga kể từ đó. Mỹ là bên thứ ba vô hình định hình quỹ đạo mối quan hệ này.
Những năm gần đây, sự khác biệt và xa cách đã xu hướng chủ đạo của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Bỏ qua phép lịch sự ngoại giao, các quan chức hai phía đã không ngại ngần cáo buộc và đe dọa lẫn nhau. Ankara trách Washington đã hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria, còn Mỹ ngày càng lên tiếng chỉ trích về mối quan hệ của Ankara với Nga và Iran, cũng như chính sách của nước này đối với Syria.
Ngay cái tên lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ do thương vụ mua S-400, “Đạo luật Đối phó với Kẻ thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt” (CATSAA) cũng nói lên điều đó. Mức độ tin cậy giữa hai bên đang ở mức thấp trong lịch sử. Các mối quan hệ thể chế đang bị thu hẹp, đặc biệt ở cấp quân sự. Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ, giới tinh hoa chính trị và các nhà hoạch định chính sách ngày càng coi Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) là một lực lượng đe dọa.
Hồi tháng 4 năm nay, Phó Tổng thống Mike Pence đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lựa chọn giữa NATO và Nga. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đưa ra lựa chọn như vậy. Họ tìm cách để hài hoà tư cách thành viên NATO và mối quan hệ lịch sử với phương Tây với mối quan hệ đang được cải thiện với các nước như Nga, Trung Quốc và Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tin rằng Mỹ không dễ chấp nhận lợi ích của mình, họ còn cho rằng chính sách của Mỹ về Đông Địa Trung Hải cũng trực tiếp làm suy yếu vai trò khu vực của Ankara. Việc Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật về Quan hệ đối tác và an ninh Đông Địa Trung Hải càng làm cho Ankara thêm lo ngại rằng chính sách của Nhà Trắng trong khu vực, dù là do thiết kế hay do sự cố, cũng sẽ dẫn đến đỉnh điểm là chính sách ngăn chặn cứng rắn với Iran và ngăn chặn mềm với Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay vận tải quân sự Mỹ tại căn cứ Mỹ ở Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Quan hệ Mỹ - Thổ có thể được thắp lại không?
Quan hệ đối tác mới của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga vẫn còn mong manh và đang tiến triển, nhưng có thể bị giới hạn bởi những vấn đề ở Syria.
Trong khi đó, một loạt các biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả việc nước này mua hệ thống tên lửa S-400 có thể gây ra hậu quả không lường trước là khiến Thổ Nhĩ Kỳ càng phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.
Trong kịch bản này, thỏa thuận S-400 sẽ tiếp tục biến thành một sự lựa chọn mang tính địa chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này trở nên cách xa phương Tây và gần gũi hơn với Nga. Và đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa khỏi phương Tây, qua đó làm suy yếu NATO dường như là những gì Nga mong muốn.
Khả năng một cuộc "gương vỡ lại lành" giữa Mỹ - Thổ sẽ không sớm xảy ra khi Tổng thống Erdogan không phát đi tín hiệu nào chấm dứt thái độ bất bình với Mỹ, còn Tổng thống Trump cũng không làm gì ngoại trừ áp lệnh trừng phạt và thuế lên hàng hoá Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo baotintuc.vn