Giải thích về lý do lãnh đạo Sở Y tế đề xuất triển khai các khu cách ly cấp quận huyện, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, TP luôn “chuẩn bị trước 1 bước và trên 1 mức” để có thể sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.
Theo bác sĩ Hưng, tình hình dịch của TP đang tương đối ổn định. Số F0 ở một số địa phương tăng cao nhưng vẫn trong kiểm soát.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM |
TP.HCM có 16 bệnh viện dã chiến cấp TP. Dự kiến cuối năm, các bệnh viện này sẽ thu hẹp dần và giữ lại 3 bệnh viện dã chiến (số 13, 14, 16). Để đảm bảo khi cần chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế đã đề nghị các quận huyện thành lập các bệnh viện dã chiến cấp quận huyện, tương ứng với bệnh viện tầng 2.
Hiện nay, TP có 8 quận huyện đã thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận huyện quy mô 300-500 giường, sẵn sàng thu dung F0 có triệu chứng nhẹ hoặc vừa.
Tuy nhiên, bên cạnh số F0 cách ly tại nhà, vẫn còn những trường hợp không đủ điều kiện theo dõi ở nhà như có bệnh nền, hoặc nhà chật hẹp… Khi đó, F0 sẽ được cách ly tại 62 điểm tập trung của phường xã, quận huyện.
Trạm y tế lưu động lấy mẫu test nhanh cho người dân quận 12. |
Theo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, hiện có 47.000 F0 cách ly tại nhà trong số 64.000 F0 toàn TP, chiếm 73%.
Để đảm bảo chăm sóc, theo dõi và quản lý, TP đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động, khởi động các khu cách ly tập trung quận huyện. “TP chuẩn bị và đề phòng cho tình huống F0 tiếp tục tăng cao”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC cho biết.
Bác sĩ Tâm cho hay, thời gian qua, lượng F0 tăng chủ yếu tại các quận huyện vùng ven. Đa số là những người đi làm, công nhân, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi đi làm lại, các doanh nghiệp xét nghiệm nhanh và phát hiện F0. Trong quá trình điều tra ổ dịch, lại tiếp tục phát hiện F0 tại các nhà trọ liên quan đến nơi công nhân sinh sống.
Để tăng cường năng lực theo dõi, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, hàng loạt trạm lưu động được thiết lập. Y bác sĩ các bệnh viện của TP được điều động, thay thế nhân lực quân y đang rút dần.
Số lượng trạm lưu động thiết lập tương xứng với số F0 trên địa bàn cần chăm sóc. Mỗi trạm có thể theo dõi từ 50-100 F0 cách ly tại nhà.
“Các địa phương cũng đã xây dựng kịch bản khi F0 tăng cao lên mức độ như thế nào sẽ có lượng nhân viên y tế tương ứng điều động ngay”, bác sĩ Hưng cho biết.
TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ chủ lực của quân y. Đặc biệt, đã ứng cứu nhiều F0 được chuyển viện, cấp cứu kịp thời.
Thông tin tại họp báo, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TP.HCM ở cấp độ dịch 2. Đối với cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức, có 10/22 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 3 địa phương so với tuần trước), có 11/22 địa phương cấp độ 2 (tăng 4 địa phương so với tuần trước), có 1/22 địa phương ở cấp độ 3 là huyện Cần Giờ.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Linh Giao
Xuất hiện F0 ở TP.HCM đi “vòng vòng” lây bệnh cho người khác
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM xác nhận có những F0 đang dương tính nhưng vẫn đi lại, tiếp xúc và lây nhiễm cho những người khác.