- Bằng những thủ đoạn, màn kịch tinh vi các đối tượng đã lừa “con mồi” cả tin phải nộp cho chúng hàng trăm triệu đồng chỉ với một cuộc điện thoại.

>> Khó tin: Nghe một cuộc điện thoại, mất 720 triệu

Chiêu thức “nợ tiền cước”

Bị hại trong vụ việc này là bà Chi (70 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội). Sự việc bắt đầu vào một ngày tháng 4/2014, khi bà nhận được một cuộc điện thoại của một phụ nữ giới thiệu là nhân viên bưu điện, nói bà Chi đang nợ tiền điện thoại gần 9 triệu đồng. 

Người này hướng dẫn bà bấm tiếp số 0 trên bàn phím sẽ có người giải thích về khoản nợ nêu trên.

Làm theo hướng dẫn, bà Chi gặp một người tự xưng là công tác trong ngành công an. Người này nói có tài liệu chứng minh bà Chi nợ số tiền trên. Hắn lại chuyển tiếp điện thoại cho bà Chi nói chuyện với người của Viện Kiểm sát tự xưng tên là Hùng.

Hùng đe bà Chi: “Việc của bà vi phạm rất nghiêm trọng, phải hợp tác với Viện Kiểm sát để điều tra, xử lý. Hiện nay gia đình bà có bao nhiêu tiền, báo cáo cho chúng tôi biết để còn bảo vệ…”.

Cuối cùng đối tượng yêu cầu bà Chi chuyển toàn bộ số tiền mà gia đình đang có vào tài khoản được mở tại một ngân hàng có trụ sở tại Việt Nam. Người phụ nữ này làm theo lời yêu cầu của các đối tượng, đã đến ngân hàng chuyển tiền với tổng số gần 500 triệu đồng.

{keywords}
Số thẻ ATM của hai đối tượng người Đài Loan giả danh công an chiếm đoạt tài sản bị bắt ngày 30/6 (Ảnh: VietNamNet)

Không chỉ dùng trò lừa "nợ tiền cước', kẻ xấu còn lấy lý do "điều tra hành vi phạm pháp" để đe dọa, thuyết phục nạn nhân.

Đó là trường hợp của  ông Đ. (70 tuổi, cán bộ hưu trí ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khoảng 9h ngày 23/6/2014, khi đang ở nhà một mình, ông Đ. nhận được điện thoại gọi vào số cố định của gia đình.

Theo Cơ quan công an, thủ đoạn của chúng là sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại để lừa người dân, cụ thể số điện thoại hiện trên màn hình điện thoại sẽ là +83 và các số sau đó trùng với số điện thoại của một cơ quan công an.

Với hành vi mạo danh công an, chúng đánh lừa những người bị hại là đang nợ tiền cước điện thoại hoặc đang dính líu đến vụ án hình sự. Từ đó, dụ họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng với danh nghĩa để phục vụ điều tra. 

Một người phụ nữ giới thiệu là nhân viên VNPT, thông báo cước điện thoại tháng 6 của gia đình ông sử dụng là gần 9 triệu đồng.

Ông Đ. còn được hướng dẫn bấm phím số “9” để kết nối tới cơ quan công an hòng làm rõ sự việc.

Một người tự xưng là điều tra viên của “Đội điều tra ma túy” đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia. Người này cho biết, một kẻ cầm đầu đường dây ma túy đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh heroin nên cơ quan công an cần làm rõ những người liên quan, trong đó có ông Đ.

“Cán bộ điều tra” đề nghị ông Đ. chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm của ông Đ. (720 triệu đồng) vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ việc điều tra”. Ông Đ. sau khi đã chuyển tiền thì mới giật mình biết đã bị lừa.

{keywords}
Nguyễn Văn Cường, một kẻ lừa đảo qua điện thoại mới bị công an Hà Nội bắt giữ (Ảnh: VietNamNet)

Một nạn nhân khác là bà Võ Thị Kim T. (60 tuổi, trú TP Nha Trang) cũng được thông báo là đang nợ tiền cước điện thoại gần 9 triệu đồng. 

Tiếp theo, bà T. được thông báo bà bị nghi ngờ có liên quan đến một đường dây tội phạm lừa đảo đang bị Bộ Công an điều tra, yêu cầu bà T. chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản của mình sang tài khoản do người này cung cấp để giám sát trong vòng 24 giờ.

Nếu sau khi kiểm tra mà bà T. không nợ tiền cước điện thoại hoặc liên quan đến đường dây lừa đảo thì sẽ trả lại toàn bộ số tiền ngay lập tức. Quá lo sợ nên bà T. không kịp suy nghĩ đã ra ngân hàng rút 182 triệu đồng chuyển vào số tài khoản mà người lạ cung cấp.

Tương tự, ngày 11/3/2014, ông Trần Xuân T. (57 tuổi, trú TP Nha Trang) cũng nhận được nhiều cuộc gọi thông báo ông đang nợ tiền cước điện thoại và đe dọa “liên quan đến đường dây tội phạm mà Bộ Công an đang điều tra”. Với thủ đoạn này của bọn lừa đảo, ông T. đã mất 200 triệu đồng.

Màn kịch 'bắt cóc đòi tiền'

Một thủ đoạn tinh vi không kém là các đối tượng gọi điện từ các số điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định của nhà riêng (hoặc cơ quan) thông báo việc bắt cóc thân nhân và yêu cầu người bị hại chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng.

{keywords}
 Chien Chiu Fu (49 tuổi, người Đài Loan - Trung Quốc) một đối tượng bị  công an TPHCM bắt và khởi tố ngày 13/5/2014 khi sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả mạo gọi điện tới nhà riêng của nạn nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Dân trí)

Gần đây nhất là vào ngày 17/3/2014, khoảng 13h, khi bà Lê Kim Thúy (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) đang ở nhà thì nhận được điện thoại gọi vào máy bàn của gia đình bà và cho biết chúng đang bắt giữ anh Hùng – con trai bà vì anh này nợ tiền chúng. Sau 5 phút chúng yêu cầu bà Thúy chuyển 150 triệu đồng thì mới thả người.

Sau khi ra ngân hàng chuyển tiền xong thì bà Thúy mới ngỡ ngàng biết mình đã bị lừa.

Trước đó, vào sáng ngày 5/11/2013, ông Trần Phi Việt (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị lừa một vố ngoạn mục. Một đối tượng gọi vào số điện thoại cố định rồi giả giọng con rể ông Việt khóc lóc: “Bố ơi, con bị đánh đau quá, con chết mất bố ơi”.

Sau đó, đối tượng này nói cho ông Việt biết con ông nợ 300 triệu đồng, cho ông Việt thời gian 30 phút để chuyển tiền, nếu không sẽ giết con ông Việt. Chúng yêu cầu ông Việt chuyển vào tài khoản của một ngân hàng 150 triệu đồng. 

Sau khi chuyển tiền cho kẻ gian, ông Việt gọi điện vào số máy của con rể thì biết không nợ tiền ai và không bị bắt giữ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khang (trú tại Nghĩa Tân, Hà Nội) cũng bị một nhóm người thông báo đã bắt giữ con ông Khang vì con trai ông nợ đối tượng này 120 triệu đồng. 

Do tưởng con mình bị bắt nên ông Khang thỏa thuận chi 50 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, ông Khang điện thoại cho con trai mới biết con trai không bị bắt cóc và tất cả chỉ là một kế hoạch lừa đảo đáng sợ.

Lê Lan