Được nhờ xem hộ kết quả, biết tờ vé số mình cầm trên tay trúng giải độc đắc với số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng, lòng tham trỗi dậy, Thủy nói dối bà Hoa tờ vé không trúng rồi ngày hôm sau bí mật đến công ty lĩnh tiền.
Khi người bán vé số tìm đến nhà bà Hoa báo tin trúng giải độc đắc thì âm mưu chiếm đoạt của Thủy vỡ lở. Thương thuyết không thành, bà Hoa đã tố cáo với cơ quan công an. Không chỉ buộc phải trả lại 1,5 tỷ đồng tiền giải thưởng mà Thủy còn bị truy tố với tội danh “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và phải lĩnh án 7 năm tù.
Nhiều người khuyên giải nhưng vẫn không nghe
Chị Trần Thị Lệ Thu – Chủ tịch hội phụ nữ phường 8 cho hay: “Trước đây, hoàn cảnh Thủy nghèo khó nhưng bản tính tốt bụng hòa thuận với xóm giềng, chị em trong phường rất quý. Thời điểm xảy ra vụ tranh chấp tờ vé số, chúng tôi cũng động viên, khuyên nhủ rất nhiều để cô ấy thành thật nhận ra sai phạm.
Chúng tôi nghĩ đó là hành vi nhất thời thôi vì bản chất Thủy không xấu. Nhưng nói cho cùng, mọi hành vi đều phải đặt trong khuôn khổ của luật pháp. Câu chuyện của Thủy sẽ là tấm gương cho tất cả mọi người”.
Sinh ra trong gia đình buôn bán nhỏ gốc miền Tây sông nước, Nguyễn Thu Thuỷ (SN 1973, trú tại khu Ba Bình, P.8, Q.8, TP. HCM) thừa hưởng sự cần mẫn và tháo vát từ cha mẹ.
Bà Trần Thị Hoa kể lại cậu chuyện bị chiếm đoạt tờ vé. |
Cuộc sống ở quê khổ cực, Thủy sớm bỏ học, theo bậc sinh thành lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề nấu bánh lọt và chè thập cẩm truyền thống ở chợ Hòa Bình (Q.5). Nhờ chăm chỉ và năng học hỏi, mới ngoài 20 tuổi, Thủy đã có đủ vốn mở riêng cho mình một quán chè riêng tại chợ Nguyễn Thời Trung. Cha mẹ mất đi, Thủy và hai người em của mình nương tựa nhau.
Cuộc sống bình lặng trôi đi, công việc buôn bán lặt vặt dẫu chỉ mang lại chút đồng ra đồng vào nhưng gia đình nhỏ của mấy anh chị em Thủy vẫn không ngớt tiếng cười.
Người anh lấy vợ, em gái theo chồng, riêng Thu Thủy xinh đẹp vẫn kiêu hãnh khước từ biết bao lời cầu hôn của những người đàn ông muốn cô nâng khăn sửa túi. Những tháng năm son sắc, Thủy đi chùa, ăn chay và điềm đạm đi bên lề cuộc hôn nhân hạnh phúc của cô em, lấy việc chăm cháu làm niềm vui.
Thế nhưng, những khó khăn bắt đầu ập đến khi chợ Nguyễn Thời Trung bị giải tỏa. Mất sạp bán chè, cuộc sống mưu sinh bắt đầu trở nên khó khăn. Vì muốn thay đổi hướng kinh doanh, Thủy vay lãi số tiền lớn.
Nhưng chuyện kinh doanh không thuận lợi, lãi mẹ đẻ lãi con, Thủy càng ngày càng bế tắc. Để duy trì ba bữa cơm, Thủy đành xin đi học làm nail (làm móng tay, chân) và mưu sinh dạo trong khu phố Ba Đình.
Cũng trong thời gian này, Thủy quen biết bà Trần Thị Hoa (SN 1956). Thấy cô gái miền Tây chân chất, hóm hỉnh, bà Hoa quý mến, coi Thủy như em út.
Chứng kiến Thủy mưu sinh vất vả, bà Hoa thậm chí còn chủ động cho cô mượn một góc nhỏ trước hiên nhà lấy chỗ ngồi làm móng. Nhiều hôm Thủy làm muộn không kịp về, bà Hoa còn dọn giường cho phép Thủy ngủ lại nhà mình.
Được tạo điều kiện thuận lợi, công việc làm móng bắt đầu mang đến cho Thủy nguồn thu ổn định hơn. Nhưng vì muốn trả nợ nhanh, Thủy không tích cóp tiền mà thường xuyên dốc túi mua vé số, hy vọng tìm kiếm vận may.
Như thường lệ, ngày 29/4/2011, Thủy ngồi làm móng và trò chuyện vớ bà Hoa. Đúng lúc đó, hai ngời thấy một bà lão bán vé đi ngang qua và năn nỉ mua giúp một vài tờ chống ế. Thấy bà lão tội nghiệp, mỗi người rút 10.000 đồng mua một tờ. Vì bận công chuyện, bà Hoa giao luôn cho Thủy giữ tờ vé số của mình, đồng thời dặn lại: “Khi nào đài quay thì dò luôn dùm chị. Nếu trúng báo lại, chị sẽ cho quà”.
Chiều tối hôm đó, Thủy hồi hộp ngồi dò số rồi vỡ òa khi phát hiện một trong hai tờ đã trúng giải độc đắc 1,5 tỷ đồng. Nhưng sau niềm vui, nỗi buồn lại tràn ngập bởi tờ vé số trúng giải là của bà Hoa chứ không phải của cô.
Trong khoảnh khắc ấy, Thủy đã định gọi điện cho người chị em thân thiết. Song mỗi lần bấm số, đôi tay cô lại không nhấc lên nổi bởi nỗi ám ảnh món nợ gần trăm triệu đồng chưa thể trả.
Lòng tham mù quáng nổi lên, Thủy gạt hết ân tình, quyết tâm chiếm đoạt tờ vé số làm của riêng. Chiều hôm say gặp lại bà Hoa, cô thản nhiên thông báo tờ vé số không trúng giải. “Lúc ấy, tôi không mảy may nghi ngờ.
Một phần vì mình mua vé số cũng chẳng nghi đến chuyện trúng giải, phần khác, tôi tin với tình cảm chị em bao nhiêu năm, Thủy không thể lừa mình”, bà Hoa nhớ lại. Người phụ nữ tốt bụng không hề biết, sau đó một ngày, Thủy đã âm thầm đến công ty xổ số lĩnh khoản tiền trị giá 1,5 tỷ đồng.
Vụ chiếm đoạt có lẽ sẽ dừng ở đó, nếu không có chuyện bà lão vé số biết khách hàng trúng giải nên quay lại định “xin chút lộc”. Đến lúc này bà Hoa mới ngã ngửa người, bởi mới hôm qua, cô em thân thiết còn thông báo tấm vé bị trượt.
Gắng lấy lại bình tĩnh, bà sang nhà Thủy, nhẹ nhàng hỏi xem cô có nhầm hay không. Đáp lại, Thủy chối đây đẩy, một mực cho rằng bà lão vé số đã nhớ nhầm.
Song khi bà Hoa đặt vấn đề cho cô 200 triệu đồng nếu tờ vé số trúng độc đắc, Thủy lại vòng vo đổ cho đứa cháu đã vô tình làm rách. Biết không thể giải quyết bằng tình cảm, bà Hoa bèn làm đơn tố cáo.
Tại cơ quan công an sau đó, Thủy đã phải khai nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt tiền của mình. Với trị giá tài sản quá lớn, Thủy bị tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam. Một kết cục chua xót cho lòng tham bất giác của người phụ nữ nghèo, nhiều người thương xót hơn là oán trách.
Lòng tham đoạn tình xóm giềng
Một thời gian dài sau khi sự việc xảy ra, câu chuyện hi hữu về tờ vé số độc đắc làm tan nát tình chị em giữa bà Hoa và Thủy vẫn trở thành đề tài “nóng hổi” được mọi người bàn luận. Bà Hoa kể, lúc mỗi người mua một tờ vé số, bà và Thủy còn nói đùa rằng, nếu trúng số thì bất cứ ai cũng đều chia đôi.
Thủy phải thi hành án 7 năm tù (Cách đây gần 3 năm) |
Thế mà lúc đứng trước núi tiền, lòng tham mù quáng đã khiến Thủy quên đi tình nghĩa. “Lúc sang nhà hỏi chuyện tờ vé số, tôi vẫn nói sẽ cho Thủy đủ tiền để cô ấy trả nợ và làm vốn .Nhưng vì muốn chiếm đoạt trọn vẹn số tiền 1,5 tỷ đồng, Thủy nhất quyết không chịu thừa nhận. Tôi buồn lắm. Giá như sự việc được giải quyết nội bộ em đẹp giữa hai chị em thì cô ấy sẽ không phải vướng vòng lao lý”, bà Hoa tiếc nuối.
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, bà Hoa cũng nói thật rằng hoàn cảnh của mình chẳng lấy gì làm dư dả. Sau khi nhận lại số tiền 1,5 tỷ đồng, bà dành một phần trả nợ nần, phần khác đóng góp vào quỹ từ thiện, giúp đỡ các hộ nghèo quanh vùng coi như “lộc bất tận hưởng”.
Bà tâm sự: “Ngày mới vào trại, Thủy có viết thư gửi ra xin lỗi và mong tôi tha thứ. Nói thật, tôi bây giờ cũng không trách giận gì cô ấy nữa. Nhưng để nối lại tình cảm xưa thì chắc không thể quá nhiều. Tôi chỉ mong, thời gian thụ án, cô ấy sẽ ăn năn hối cải để sớm được ân xá, làm lại cuộc đời”.
Về phía gia đình Thủy, chuyện cô gây ra cũng khiến người anh trai Nguyễn Văn Hưng và em gái Nguyễn Thu Thảo bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì dư luận dè bỉu, châm chọc, Thu Thảo xấu hổ đến nỗi tối ngày đóng cửa nhà, tránh giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Gánh chè gia truyền mà mẹ để lại, Thảo cũng phải tạm nghỉ vì bày hàng ra mà khách chẳng chịu ghé vào ăn. Trong khi đó, số nợ cả trăm triệu đồng Thủy để lại, hai anh em cũng phải thay nhau gánh vác.
“Nhiều lần vào thăm, nghe chị ấy (Thủy) tâm sự mà ứa nước mắt. Chị bảo, không muốn nhắc lại chuyện đó nữa, lỗi lầm gây ra, chị ấy đang cố gắng trả. Anh em chúng tôi vẫn đếm từng ngày chờ chị ra tù về đoàn tụ với gia đình”, Thu Thảo xót xa.
Là anh cả trong gia đình, anh Nguyễn Tấn Hưng cho biết, thời điểm ấy rất buồn và sốc vì em mình là người theo đạo Phật, anh tỏ rõ quan điểm phân minh luật nhân quả: “Hệ quả ngày hôm nay bắt nguồn từ quá khứ, cô ấy đã mắc phải lỗi lầm thì giờ phải chuộc lại. Anh em chúng tôi cũng mong rằng, mọi người sẽ tha thứ cho Thủy, để lúc cô ấy trở về không còn sự xét nét dị nghị”. Mong rằng với thời gian 7 năm trong trại, Thủy sẽ nhận ra quy luật sống ở đời.
(Theo Đời sống và hôn nhân)